logo
banner top
banner top

Giật mình người Việt chi 100 nghìn tỉ đồng để uống bia mỗi năm

Ngày đăng: 09/11/2018 17:23

Sản lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam lên đến hơn 4 tỉ lít mỗi năm tương đương chi phí kinh tế cho tiêu thụ bia khoảng 4 tỉ USD (khoảng gần 100 nghìn tỉ đồng) vào năm 2017.

Người Việt chi mạnh tay cho bia rượu (Ảnh minh họa)

Người Việt chi mạnh tay cho bia rượu (Ảnh minh họa)

Con số đáng “giật mình” này khiến Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á mặc dù mức thu nhập chỉ đứng thứ 8 Đông Nam Á.

banner

Tiêu thụ 305 triệu lít rượu, hơn 4 tỉ lít bia mỗi năm

Sáng 8.11, tại Hội thảo về cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu bia và khuyến nghị của các Tổ chức phi chính phủ đối với Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu bia, ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) đưa ra những con số đáng giật mình về sự gia tăng tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế phát biểu khai mạc

Ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) phát biểu khai mạc

Theo đó, mức tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người (trên 15 tuổi cả hai giới) tại Việt Nam tăng từ 3,8 lít giai đoạn 2003-2005 lên 8,3 lít năm 2016. Mức tiêu thụ này đã đưa Việt Nam xếp thứ hai trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 Châu Á và đứng thứ 64 trên thế giới.

Sản lượng tiêu thụ bia tăng từ 2,8 tỉ lít năm 2012 lên hơn 4 tỉ lít năm 2017. Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á mặc dù mức thu nhập chỉ đứng thứ 8 Đông Nam Á và đứng thứ 3 Châu Á, chỉ sau Nhật Bản, Trung Quốc.

“Chi phí kinh tế cho tiêu thụ bia khoảng 4 tỉ USD (tương đương 100 nghìn tỉ) năm 2017, ước tính gần bằng 7% số thu ngân sách của cả nước”, ông Huy Quang quan ngại.

Ông Nguyễn Huy Quang phân tích: Tác động của rượu, bia về mặt sức khỏe có thể chưa nhìn thấy trước mắt nhưng khía cạnh về kinh tế, xã hội thì đã rõ.

Sử dụng rượu bia có thể tạo thêm gánh nặng kinh tế đối với cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Nhiều người kiệt quệ kinh tế vì chi mua rượu bia, tăng chi phí giải quyết hậu quả về sức khỏe liên quan đến rượu bia. Không những thế, rượu bia còn làm giảm hoặc mất năng suất lao động do ốm đau, thương tật và tử vong sớm.

Nói cách khác, rượu bia lấy đi một nguồn tài chính rất quan trọng ở người nghèo, gia đình, cả xã hội nơi người đó sống và là nguyên nhân làm cho tình trạng nghèo đói thêm trầm trọng.

Clip đề xuất - Duy Phương: Chẳng ai mong mình bị bệnh để xin tiền người khác

Thu 50 nghìn tỉ, chi 65 nghìn tỉ

Cũng theo ông Nguyễn Huy Quang: “Trong quá trình thảo luận về dự thảo luật phòng chống tác hại rượu bia có nhiều vấn đề nhạy cảm, chịu sự giằng xé quá lớn giữa lợi ích sức khỏe và lợi ích kinh tế. Mỗi năm các doanh nghiệp sản xuất bia, rượu đóng góp cho kinh tế trong nước khoảng 50 nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, Chính phủ lại phải bỏ ra tới 65 nghìn tỉ đồng/năm để khắc phục hậu quả do rượu bia gây ra”.

Báo cáo của Viện nghiên cứu phòng chống ung thư cho thấy tổng chi phí trực tiếp và gián tiếp của 6 bệnh ung thư phổ biến ở Việt Nam mà sử dụng rượu bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính (ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư khoang miệng, ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư cổ tử cung) lên tới 25.789 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, tổn thất do bị xói mòn về văn hóa, nhân cách, đạo đức, lối sống, và chất lượng giống nòi có nguyên nhân từ sử dụng rượu bia là những gánh nặng xã hội nghiêm trọng không thể so sánh và rất khó lượng hóa.

Theo Thảo Anh

Theo Lao Động

Tags: , ,