“Nếu người chủ sỡ hữu bức tranh thấy đẹp và không thấy khó chịu thì ai có quyền lên tiếng nói được hay không? Họ đâu có treo ở ngoài đường, đâu có ai vào nhà người khác mà nói tôi không thích anh trang trí giường ngủ kiểu này nó không được đạo đức và nhân văn lắm” – Ca sĩ Dương Triệu Vũ bày tỏ.
Vụ Đàm Vĩnh Hưng – Lệ Quyên ký lên tranh, Dương Triệu Vũ: “Bức tranh càng giá trị hơn”.
Trên trang facebook cá nhân, Dương Triệu Vũ bất ngờ chia sẻ bài viết có nội dung đề cập đến ồn ào ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên ký tên lên tranh của họa sĩ Hứa Thanh Bình nhận nhiều ý kiến trái chiều của cộng đồng và giới họa sĩ những ngày vừa qua. Đi kèm với bài viết này, nam ca sĩ bày tỏ quan điểm của anh về sự việc nhận được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng mạng và người hâm mộ.
Cụ thể, Dương Triệu Vũ viết: “Về việc chữ ký: yes, hôm đó cũng có mình nhưng hát xong về sớm để đi Mỹ nên không kịp ký theo lời yêu cầu của người đấu giá thành công.
Ngắn gọn thôi: beauty is in the eyes of the beholder – cái đẹp nằm trong mắt của người nhìn, và mắt người quan trọng nhất là người đã bỏ ra mấy trăm triệu để mua bức tranh. Họ mua bức tranh đó là vì trong mắt họ thấy “nghĩa cử” thật đẹp, dù bức tranh có đẹp nhưng chưa chắc trong một môi trường bình thường họ sẽ bỏ ra số tiền như thế để mua một tác phẩm như thế, họ mua là vì lời mời gọi của nghệ sỹ họ thần thượng, yêu quý. Nên khi được ký lên bởi nghệ sỹ họ yêu thích thì bức tranh càng giá trị hơn vì:
1. Đó là dấu ấn của những người họ yêu thích.
2. Nó minh chứng cho nghĩa cử hết sức hào hiệp của họ trong lúc cần nghĩa hiệp và rộng lượng nhất.
Kết luận: nếu người chủ sở hữu bức tranh thấy đẹp và không thấy khó chịu thì ai có quyền lên tiếng nói được hay không? Họ đâu có treo ở ngoài đường, đâu có ai vào nhà người khác mà nói tôi không thích anh trang trí giường ngủ kiểu này nó không được đạo đức và nhân văn lắm.
Sống trên đời có những chuyện mình nên làm quá, và nhữnng chuyện không nên. Vì trong cả thảy chuyện này, “nghĩa cử” chính là bức tranh đẹp nhất.
Có lẽ mấy chú nên họa lại bứa tranh (dưới comment) đó và treo trên tường để biết về hai từ tình người”.
Thay cho lời kết, ca sĩ Dương Triệu Vũ nhấn mạnh: “Hình như chú họa sĩ chính thức của bức tranh chưa hề tỏ ra khó chịu hay lên tiếng gì, ông còn rất vui khi biết bức tranh mình đã làm được việc ý nghĩa thế”.
Hình ảnh ca sĩ Dương Triệu Vũ, Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên…góp mặt trong đêm nhạc thiện nguyện.
Trước đó, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng lý giải, vị mạnh thường quân mua bức tranh trong đêm nhạc thiện nguyện nhằm giúp đỡ nghệ sĩ Lê Bình và Mai Phương đang mắc bệnh ung thư mong muốn anh và Lệ Quyên ký tên lên bức tranh để làm kỷ niệm. Dù đã từ chối nhưng người này vẫn bày tỏ sự tha thiết có chữ ký của cả hai. Anh cũng lên tiếng xin lỗi họa sĩ Hứa Thanh Bình và thừa nhận mình không hiểu sâu về mỹ thuật.
“Vâng! Chúng tôi là ca sỹ hát từ thiện trong đêm đó để giúp đỡ Mai Phương, anh Lê Bình và gây quỹ để mua bảo hiểm cho các nghệ sỹ nghèo khác. Sau khi đấu giá xong, vị mạnh thường quân ra phía sau sân khấu xin chụp hình và mong anh chị em ca sỹ ký hết vào để làm kỷ niệm.
Chúng tôi cũng khó mà nói lời từ chối được! Và điều đó đã làm không hài lòng một số các họa sĩ và những người yêu hội họa. Vâng xin mạnh dạn thừa nhận chúng tôi là ca sỹ, không phải là họa sĩ hay dân chơi hội họa hoặc là những người yêu tranh vẽ chuyên nghiệp nên không hiểu biết nhiều về luật chơi tranh, nên đã vô tư ký để làm vui lòng vị mạnh thường quân kia! Nhưng nó lại làm phật ý giới họa sĩ. Nếu đó là điều cấm kỵ thì tôi xin đại diện anh chị em gửi lời xin lỗi đến những người biết chơi tranh đặc biệt là chú họa sĩ Hứa Thanh Bình! Rất mong chú bỏ qua cho sự vụng dại này của tụi con. Người ta vẫn hay nói kẻ không biết là kẻ không có tội và trong 2 ngày qua chúng tôi cũng nhận ra phần sai đó của mình cũng chỉ vì không biết!” – Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ.
Từ góc độ khác, nhạc sĩ Trần Minh Phi – một người đam mê hội họa cho rằng: “Việc nghệ sĩ ký tên vào một bức tranh có thể gọi là một sự tha hoá trầm trọng không chỉ là nhân cách nghệ sĩ mà là nhân cách công dân. Bên cạnh đó là ý thức về việc cần phải tôn trọng bản quyền (quyền sở hữu trí tuệ) rất kém. Người bỏ tiền ra mua bức tranh chỉ có quyền sở hữu bức tranh chứ không có quyền tác giả. Nếu họ làm điều đó cũng đồng nghĩa là vi phạm quyền tác giả, chưa kể là tội phá hoại nghệ thuật, cho dù họ là chủ sở hữu bức tranh đó”.
Họa sĩ Đỗ Duy Ngọc bức xúc: “Đây là cách của giới nghệ sĩ tinh hoa xứ Việt đối xử với một tác phẩm nghệ thuật sao? Về nguyên tắc, một tác phẩm hội hoạ chỉ có một chữ ký, đó là chữ ký của tác giả, xác nhận tác phẩm của mình, ngoài ra không thể có một chữ ký nào khác, dù trước hay sau của bức tranh. Hơn nữa, không thể viết vẽ bừa bãi trên một tác phẩm đã được hoàn thiện, làm như thế là hành động phá hoại tác phẩm”.
Theo Huế Vũ