logo
banner top
banner top

Vợ bác sĩ Hoàng Công Lương kêu gọi 20 nghìn chữ ký để minh oan cho chồng

Ngày đăng: 02/12/2018 9:13

Chị Đinh Thị Huyền Thư – vợ bác sĩ Hoàng Công Lương – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình đã kêu gọi cộng đồng cùng ký tên để minh oan cho bác sĩ Lương trong vụ án chạy thận nhân tạo ở Hoà Bình năm 2017.

Tâm tư và nguyện vọng, chị Thư đã gửi đơn kiến nghị tới các cơ quan trung ương  chung tay giúp đỡ để minh oan cho chồng cháu-bác sĩ Hoàng Công Lương.Theo chị Thư, hơn 1 năm nay, chị cảm thấy bất an khi tai ương đổ xuống. Một nách 2 con nhỏ, chồng vướng vào vòng lao lý hơn một năm nay, chị Thư và toàn thể gia đình, dòng họ đã suy sụp hoàn toàn về sức khoẻ, kiệt quệ về vật chất, xáo trộn mọi công việc, tinh thần bất an tột độ.

banner

Trong đơn kiến nghị chị Thư viết: “Bác sĩ Lương không phải là kĩ sư hoặc kĩ thuật viên của phòng Vật tư-thiết bị y tế Bệnh viện, càng không phải là người trực tiếp làm công tác bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống RO theo hợp đồng thầu của bệnh viện để gây ra tồn dư hóa chất dẫn đến tử vong cho các nạn nhân”.

Quy trình bàn giao hệ thống RO sau sửa chữa, bảo dưỡng tại BVĐK tỉnh Hòa Bình hoàn toàn không có từ trước đến nay nên bác sĩ Lương không thể có hành vi cẩu thả nào trong quy trình đó được.

Gia đình bác sĩ Hoàng Công Lương vẫn kiên trì trên con đường đi tìm công lý cho anh

Ở vào vị trí bác sĩ điều trị, sau khi thăm khám lâm sàng cho người bệnh và được bộ phận có trách nhiệm chuẩn bị trang thiết bị thông báo việc rửa máy thận, test máy thận bình thường, đồng hồ đo độ dẫn điện của hệ thống RO (điều kiện bắt buộc và duy nhất để nhận biết an toàn hệ thống trước khi y lệnh lọc máu cho người bệnh) trong giới hạn an toàn, xem xét chỉ số đồng hồ đã báo an toàn thì bác sĩ mới ra y lệnh lọc máu cho người bệnh.

Thực tế hoạt động lọc máu thận nhân tạo hiện nay, ngoài việc thăm khám người bệnh đủ sức khỏe lọc máu và quan sát đồng hồ đo độ dẫn điện báo chỉ số an toàn sau công tác rửa và test máy của điều dưỡng viên thì bác sĩ điều trị không có gì để nhận biết hệ thống RO sử dụng an toàn hay không an toàn, càng không thể nhận biết được đồng hồ báo an toàn những vẫn có khả năng sai số. Vấn đề này nằm ngoài tầm kiểm soát, chuyên môn và kiến thức của bác sĩ điều trị.

Do không có quy trình sửa chữa, bảo dưỡng, vận hành, sử dụng, không có văn bản nào quy định sau sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO phải có ý kiến chỉ đạo của Trưởng khoa mới cho phép bác sĩ ra y lệnh lọc máu nên không thể buộc tội bác sĩ Lương về lỗi cẩu thả.

Không có văn bản nội bộ nào của bệnh viện quy định bác sĩ điều trị trước khi ra y lệnh phải xin ý kiến Trưởng khoa nên bác sĩ Lương không có lỗi cẩu thả do không thấy trước được hậu quả chết người từ việc sử dụng nguồn nước RO khi chưa có ý kiến chỉ đạo của trưởng khoa.

Clip đề xuất - Duy Phương: Chẳng ai mong mình bị bệnh để xin tiền người khác

Trong vụ án này, bị can Bùi Mạnh Quốc bị đề nghị truy tố tội “Vô ý làm chết người” theo Khoản 2 Điều 98 BLHS năm 1999 nay được quy định tại Khoản 2 Điều 128 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 và bác sĩ Lương cũng bị đề nghị truy tố về tội danh và điều luật hoàn toàn giống bị can Bùi Mạnh Quốc nhưng bác sĩ Lương không phải đồng phạm với Quốc trong vụ án này vì công việc của Quốc là sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị còn công việc của bác sĩ Lương là khám, chữa bệnh cho bệnh nhân.

Ngày 23/3/2018 Tổng hội Y học Việt Nam đã có công văn số 80 của Tổng thư kí Giáo sư Tiến sĩ Lê Gia Vinh nêu rõ: ‘Theo quy định của luật khám chữa bệnh, theo quy chế của Bệnh viện thì bác sĩ Lương không có chức năng nhiệm vụ kiểm tra về chất lượng của các trang thiết bị y tế và chất lượng nước”.

Ngày 27/7/2018 công văn số 235 của Bác sĩ Trịnh Thị Lê Trân – Trưởng ban TV, GĐ&PBXH của Tổng hội Y học Việt Nam có nêu: “BVĐK tỉnh Hòa Bình chưa ban hành văn bản quy định về quy trình sửa chữa hệ thống lọc nước RO nên cần xem xét lại trách nhiệm của bác sĩ Lương theo quy định tại điều 34 Luật khám chữa bệnh quy định về Quyền được bảo vệ khi xảy ra tai biến đối với người bệnh”.

Quá trình điều tra bổ sung lần 2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình còn kết luận bổ sung một nguyên nhân khác gây ra hậu quả làm chết người trong sự cố ngày 29/5/2017 như sau: “Một trong những nguyên nhân chính gây hậu quả chết người khi chạy lọc thận cho bệnh nhân tại Đơn nguyên lọc máu-BVĐK tỉnh Hòa Bình chính là tình trạng bố trí nhân lực không đầy đủ và cần thiết” (trang 11 và 12 Bản kết luận điều tra bổ sung lần 2).

Như vậy, với kết luận này, nguyên nhân gây tử vong 8 bệnh nhân (sau này bệnh nhân thứ 9 qua đời) là do tồn dư hóa chất sau sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO và công tác bố trí nhân lực tại Đơn nguyên Thận nhân tạo-BVĐK tỉnh Hòa Bình”.

Cả 2 nguyên nhân này đều không liên quan đến công việc của bác sĩ điều trị, không liên quan đến trách nhiệm của bác sĩ Lương nên bác sĩ Lương không có lỗi cẩu thả nào tạo ra 2 nguyên nhân này. Tình trạng bố trí nhân lực không đầy đủ và cần thiết gây hậu quả chết người là lỗi cẩu thả hay lỗi quá tự tin?

Hơn nữa bác sĩ Lương không có quyền và trách nhiệm bố trí nhân lực nên rất mong các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét thận trọng, công tâm, khách quan về nguyên nhân gây hậu quả chết người để có quyết định đúng đắn theo quy định pháp luật.

Mặt khác, cũng cần có đánh giá và kết luận chính xác nguyên nhân chính gây hậu quả chết người do tình trạng bố trí nhân lực không đầy đủ và cần thiết thì nguyên nhân tồn dư hóa chất (HF) sau sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO có phải nguyên nhân “phụ” hay “thứ yếu” để xác định sự thật vụ án, không bỏ lột tội phạm, không làm oan người vô tội.

Bản kết luận điều tra bổ sung lần 2 đã cố tình cắt xén đi nội dung: bị can Bùi Mạnh Quốc bàn giao cho bị can Trần Văn Sơn hệ thống RO sau sửa chữa chiều ngày 28/5/2017; bị can Trần Văn Sơn bàn giao qua điện thoại với điều dưỡng Đỗ Thị Điệp vào chiều ngày 28/5/2017 là hệ thống RO đã sửa xong và có thể hoạt động bình thường, sáng 29/5/2017 bị can Sơn bàn giao giấy tờ cho điều dưỡng Đỗ Thị Điệp; trước giao ban của phòng Vật tư-Thiết bị y tế sáng ngày 29/5/2017, Trần Văn Sơn cũng đã báo cáo trưởng phòng là ông Trần Văn Thắng là hệ thống RO2 đã sửa chữa xong, ông Thắng đã chỉ đạo Sơn hoàn thiện thủ tục giấy tờ để thanh lý hợp đồng (thủ tục hành chính), điều này đã được bị can Trần Văn Sơn, ông Trần Văn Thắng khai nhận ngay tại phiên tòa sơ thẩm và đã được thể hiện trong nội dung Bản kết luận điều tra lần đầu (ngày 15/01/2018) và Bản kết luận điều tra bổ sung lần 1 (ngày 04/7/2018). Đầu giờ làm việc sáng 29/5/2017, điều dưỡng Đỗ Thị Điệp đã thông báo cho tất cả cán bộ Đơn nguyên thận nhân tạo là hệ thống RO2 đã sửa xong, có thể hoạt động bình thường và đã được phòng Vật tư-Thiết bị y tế bàn giao. Việc bỏ ngoài Bản kết luận điều tra bổ sung lần 2 những nội dung nêu trên đã làm sai lệch sự thật khách quan của vụ án.

Chính vì vậy chị Thư cùng gia đình các nạn nhân trong vụ chạy thận đã viết đơn kiến nghị mong các cơ quan xem xét, chấp nhận đơn kiến nghị của các gia đình bị hại trên đây để xét xử vụ án khách quan, toàn diện, đúng pháp luật; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho bác sĩ Lương được sớm minh oan để có điều kiện sớm quay trở lại công việc chữa bệnh cứu người ở một bệnh viện miền núi còn khó khăn.

Theo chị Thư và những người cùng ký họ đặt niềm tin vào công lý và hy vọng qua vụ án này, các bác sĩ điều trị sẽ không còn phải lo lắng về chất lượng vật tư thiết bị, thuốc men…. mà tập trung cho công việc cao quý của nghề y là chữa bệnh, cứu người.

Theo Khánh Ngọc

Theo VOV

Tags: ,