Cách đây vài ngày, báo chí rộ tin về một chỉ đạo của Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế đưa ngay 581.700 hộ kinh doanh vào diện quản lý thuế.
Đáng chú ý là các cục thuế được lưu ý phải thường xuyên rà soát đảm bảo dữ liệu giải trình đối với các cá nhân kinh doanh không thường xuyên như xe ôm, xe lam, chủ thầu xây dựng vãng lai, kinh doanh quán cóc, vỉa hè, hộ kinh doanh tại các điểm tự phát – không chính thức được phép hoạt động (chợ tạm, chợ cóc, xóm làng, thôn, bản…).
Nghĩa là, bên cạnh những hộ kinh doanh bị “lọt sàng” còn có những đối tượng khác lọt vào “tầm ngắm” của cơ quan thuế: Những người vốn được xếp vào khu vực lao động phi chính thức, tự phát như xe ôm, kinh doanh vỉa hè… Những người này hầu như không có bảo hiểm lao động, không được hưởng những quyền lợi mà một lao động thông thường vẫn được hưởng.
Cho nên, quả thực, nếu như ngành thuế mà thu thuế được ở những người lao động trong các lĩnh vực kể trên thì người viết lấy làm mừng lắm. Mừng quá chứ sao không khi mà có phải ai muốn nộp thuế cũng được nộp đâu!
Này nhé! Muốn nộp thuế thu nhập cá nhân thì cũng phải kiếm được trên 9 triệu đồng/tháng (đó là trường hợp không có người phụ thuộc). Còn kinh doanh hộ gia đình cũng phải đạt thu nhập trên 100 triệu đồng /năm thì mới “được” nộp thuế môn bài ở mức 300 nghìn đồng.
Nếu chạy xe ôm, kinh doanh quán cóc mà cũng “được” nộp thuế thì mục tiêu mà Chính phủ đặt ra cho năm 2035 là “đưa mức GDP bình quân đầu người lên 10.000 USD vào năm 2035” không biết chừng lại hoàn thành trước hạn?!
Song, xin hãy nhìn lại thực tế!
GDP bình quân đầu người trong năm 2018 này mặc dù đã tăng 155 USD so với năm 2017 nhưng cũng mới chỉ đạt 2.540 USD/năm. Xin nhấn mạnh, đó là khoản thu nhập bình quân trong 1 năm, nghĩa là mỗi tháng, bình quân thu nhập người dân chúng ta chỉ đạt chưa tới 212 USD (tương đương hơn 4,9 triệu đồng).
Nói “bình quân”, nghĩa là bên cạnh những người có “thành tích” nộp thuế lớn cho Nhà nước thì cũng có rất, rất nhiều người thu nhập chỉ vài chục nghìn mỗi ngày. Họ sống dưới mức tối thiểu, tằn tiện lắm mới đủ ăn, đủ mặc chứ đừng nói đến nộp thuế. Thế cho nên, “được nộp thuế” nhiều khi lại là ước mơ, ao ước của một bộ phận không nhỏ người dân.
Hồi tháng trước, người đứng đầu Bộ Tài chính – ông Đinh Tiến Dũng có đặt ra phép so sánh: “Ở các nước, nộp thuế là vinh quang, nghĩa vụ cao cả. Ta có phải thế không? Được mấy người tự giác?”.
Không phủ nhận những khó khăn mà ngành thuế đang vấp phải, nhưng việc mở rộng diện thu thuế theo cách như hiện nay liệu có đang cho thấy sự lúng túng của cơ quan quản lý trước tình trạng thất thu, hụt thu khi mà chưa rõ làm thế nào để thu được thuế của những người chạy xe ôm, những người kinh doanh vỉa hè ấy?
Trong khi đó, có bao nhiêu doanh nghiệp doanh thu cả nghìn tỷ đồng mỗi năm mà vẫn triền miên báo lỗ, còn ngành thuế thì hết “đau đầu” lại “bó tay”? Có bao nhiêu giao dịch chuyển nhượng, sang tay diễn ra trong “bóng tối”? Có hay không việc cán bộ cơ quan quản lý bắt tay với tội phạm buôn lậu, nhận lại quả để tiếp tay, bảo kê cho doanh nghiệp trốn thuế?…
Còn người sẵn sàng nộp thuế, muốn kinh doanh đường hoàng thì bị chèn ép, bị vòi vĩnh đến mức “còi cọc” không thể lớn lên? Họ chưa nộp thuế nhưng đã phải nộp cả tá các loại phí, chi phí không chính thức.
Nghịch lý ấy chưa giải quyết được thì xem ra “ước mơ được nộp thuế” của biết bao người cũng chỉ là “mơ ước” mà thôi!
Theo Bích Diệp