logo
banner top
banner top

Sao Việt phát ngôn tục tĩu trên mạng: Không thể bất chấp dư luận, chà đạp lên công chúng

Ngày đăng: 04/11/2018 6:19

Chuyện người nổi tiếng bị chỉ trích vì hành xử kém văn minh trên mạng xã hội không còn là “của hiếm” trong showbiz Việt. PGS.TS Đinh Hồng Hải đã có góc nhìn đa sắc về câu chuyện “khổ lắm, nói mãi” này.

Thời gian qua, có nhiều nghệ sĩ bị chỉ trích gay gắt vì bất chấp văng tục, chửi thề, hành xử “chợ búa” trên mạng xã hội. Dưới góc độ một nhà nghiên cứu nhân học văn hóa, anh nhìn nhận thế nào về chuyện này?

Theo tôi, việc văng tục, chửi thề là một tật xấu mà khá nhiều người trong chúng ta mắc phải. Ở những không gian riêng tư, tật xấu này chỉ ảnh hưởng đến chính bản thân người sử dụng, nhưng trong không gian công cộng, văng tục, chửi thề sẽ ảnh hưởng tới nhiều người. Nhất là trên mạng xã hội, nơi được ví như “căn phòng ngủ có tường kính trong suốt”, thì mọi hành vi của chúng ta đều bị theo dõi và mức độ lan tỏa là không thể kiểm soát được.

Ngôi sao - Sao Việt phát ngôn tục tĩu trên mạng: Không thể bất chấp dư luận, chà đạp lên công chúng

Không ít người nổi tiếng hứng “gạch đá” vì buông lời khiếm nhã trên mạng xã hội.

Đối với người nổi tiếng, nhất cử nhất động của họ luôn trong chế độ “đặc biệt”. Vậy là nghệ sĩ phải cân nhắc thế nào khi phát ngôn và hành xử trên mạng xã hội?

Những người nổi tiếng là người của công chúng, nên mọi hành vi, ứng xử trong không gian công cộng phải khác hoàn toàn với chính bản thân anh ta/cô ta lúc riêng tư. Và, dĩ nhiên cũng phải khác với những người bình thường. 

banner

Một cô gái trước lúc đi thi Hoa hậu là một người bình thường và được gọi là thí sinh như baongười đi thi sắc đẹp khác. Nhưng, nếu đăng quang Hoa hậu, thì nhất cử nhất động của cô ấy sẽ bị theo dõi, và kể từ giây phút trọng đại ấy, cô sẽ sống thêm một cuộc đời khác, đó là “người của công chúng”.

Ngôi sao - Sao Việt phát ngôn tục tĩu trên mạng: Không thể bất chấp dư luận, chà đạp lên công chúng (Hình 2).

PGS.TS Đinh Hồng Hải.

Mạng xã hội là một không gian mang tính toàn cầu, nên những phát ngôn, và hành xử trong “thế giới” này được xem như hành vi trước đám đông, nơi công cộng. Nhiều người cho rằng, họ bị mất tự do khi trở thành người của công chúng. Nhưng, đó là lẽ đương nhiên và người nổi tiếng phải chấp nhận, bởi chính bản thân họ đã lựa chọn.

Khi bị chỉ trích, họ lại biện minh rằng, đó là quyền thể hiện cái tôi cá nhân. Nhưng, cách hành xử thái quá, bất chấp dư luận của một số nghệ sĩ liệu có chấp nhận được?

Cần phải phân biệt cái bản ngã của trí tuệ trong tư tưởng mỗi con người khác hoàn toàn với cái tôi ích kỷ. Cái tôi cá nhân khi được thể hiện thái quá nơi đông người sẽ thể hiện sự ích kỷ của chính người đó.

Dĩ nhiên, để hiểu rõ và phân biệt được bản ngã với cái tôi thì cần phải có trí tuệ, chứ không phải là sự nổi tiếng. Có những người bỗng trở nên cực kỳ nổi tiếng, vì hành vi khiếm nhã hoặc phát ngôn gây sốc, ngớ ngẩn. Điều đó có thể là do vấn đề trí tuệ, nhưng cũng có thể là do họ muốn lựa chọn như vậy.

Nên chăng, có một “chứng chỉ hành nghề” đối với nghệ sĩ. Bởi, chỉ cần một hành vi không đúng chuẩn mực của người nổi tiếng, có thể ảnh hưởng không tốt tới số đông, nhất là giới trẻ. Quan điểm của anh thế nào?

Theo tôi, chứng chỉ hành nghề không thể cân-đong-đo-đếm được phẩm chất của một con người. Tôi chưa từng nhìn thấy một tấm bằng “chứng nhận đạo đức” nào được in ra. Nếu bạn là nghệ sĩ hãy đừng để những người yêu mến bạn thất vọng, mất lòng tin. Bạn không thể bất chấp dư luận, chà đạp lên niềm tin của công chúng, bởi họ sẽ là những người xóa tên bạn trong trái tim họ.

Clip đề xuất - Duy Phương: Chẳng ai mong mình bị bệnh để xin tiền người khác

Theo Hà Linh

Theo Người Đưa Tin

Tags: , ,