Không phải ngẫu nhiên mà có người gọi đây là thời nghệ sĩ ‘bán thân’ – đem chính mình, bạn bè, thậm chí cha mẹ và con cái… ra mua vui cho thiên hạ để kiếm một chút chú ý nhất thời.
Khi dư luận còn chưa kịp hoàn hồn với câu chuyện yêu đương thật – giả của bộ tam Cát Phượng – Kiều Minh Tuấn – An Nguy quanh bộ phim Chú ơi, đừng lấy mẹ con và Mẹ Tuệ thì lại một phen choáng váng với chuyện Phan Ngọc Luân thú nhận tình cảm với Đàm Vĩnh Hưng, úp mở chuyện bản thân đã thiếu kiềm chế khi ngủ chung giường với ca sĩ đàn anh.
“Tình cảm” của Phan Ngọc Luân dành cho Đàm Vĩnh Hưng hóa ra chỉ là một cú lừa |
Tất nhiên, chuyện giường chiếu này, nếu không phải “khổ chủ” tiết lộ thì cũng chẳng ai biết đến. Hơn nữa, trong một xã hội mở như hôm nay, quan hệ đồng tính cũng chẳng phải là vấn đề gì ghê gớm – chỉ là một trong những lựa chọn của cá nhân. Cộng đồng LGBT cũng không còn bị kỳ thị, xa lánh đến mức phải cố che giấu như thuở trước. Thế thì Luân có yêu Đàm Vĩnh Hưng hay hai người có gì đi nữa cũng là chuyện riêng tư, chẳng chết ai, chẳng ai phán xét nếu người trong cuộc không mang câu chuyện ra bán giữa chợ đời, nhằm câu khách.
Không phải ngẫu nhiên mà có người gọi đây là thời nghệ sĩ “bán thân” – đem chính mình, bạn bè, thậm chí cha mẹ và con cái… ra mua vui cho thiên hạ để kiếm một chút chú ý nhất thời. Hết người kể chuyện mua sừng tê giác (cái cả thế giới đang lên án trước nguy cơ tuyệt chủng của sinh vật này) để “chữa gay” đến chuyện nữ ca sĩ thừa nhận nhiều năm không nhìn mặt mẹ.
Kinh khủng hơn, người ta lôi cả người cả chết (tử vô đối chứng) vào câu chuyện nhằm làm sang cho mình, vùi dập người khác. Đúng, họ vẫn được gọi là nghệ sĩ – những người làm việc, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nhưng trong những câu chuyện ấy, qua những cách hành xử ấy, lại không hề có chút nào thái độ và tư duy văn hóa. Lồ lộ trước mắt công chúng là một tư duy bẩn, cho những mục đích thấp kém.
Giá trị của một nghệ sĩ nằm ở sản phẩm nghệ thuật và cách cư xử. Scandal cũng là một dạng giá trị, cho thấy tầm vóc thực sự của một cá nhân |
Nếu người ta có thể lừa khán giả đến với sản phẩm, ai dám đảm bảo rằng đó không phải là một sản phẩm tồi, được bơm thổi quá mức.
Giờ thì, Phan Ngọc Luân đã thừa nhận mình chỉ lỡ lời, thừa nhận mục đích câu chuyện của mình là để hướng khán giả chú ý đến chương trình anh tham gia, để thêm phần kịch tính. Phan Ngọc Luân đã công khai thừa nhận anh lừa khán giả.
Câu hỏi là: khi đã biết mình bị lừa, khán giả sẽ làm gì hay sẽ như vô số lần trước đây, ở các scandal khác – phẫn nộ một chút rồi quên ngay khi showbiz có thêm chuyện mới. Các bầu show sẽ mời những “nghệ sĩ” đang có scandal (đang được chú ý) tham gia chương trình để kiếm ít view hay sẽ từ chối nhân vật đã hủy diệt niềm tin nơi khán giả?
Điều mỗi khán giả làm hôm nay, bây giờ sẽ giúp chặn đứng những trò lố trong tương lai hoặc sẽ dung dưỡng cho những scandal mới ngày càng tăng độ bẩn và trơ tráo.
Công chúng cần phải sử dụng quyền của mình để chấm dứt những câu chuyện ồn ào kéo dài |
Hãy nhìn ra showbiz thế giới, xem cách khán giả ứng xử với những trò lừa đảo, thái độ thiếu đứng đắn của nghệ sĩ để thấy rằng chúng ta đang nuôi mầm bệnh trong showbiz Việt ra sao.
Chỉ cần chấm dứt nghe, xem những “nghệ sĩ” tai tiếng, quay lưng lại với sản phẩm của họ (đó cũng là cách tiết kiệm tiền cho bản thân), họ sẽ tự rút kinh nghiệm để hành xử cho chuẩn mực hoặc sẽ phải nhường chỗ cho những người khác tài năng và nghiêm túc với nghề nghiệp hơn.
Đôi khi, để trị dứt căn bệnh làm lố, “diễn sâu” trầm kha trong showbiz, liều thuốc chỉ đơn giản thế thôi.
Theo Nhân Sư