Theo Nghị định 115/2018 có hiệu lực từ ngày 20.10.2018, các hành vi vi phạm điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố sẽ bị xử phạt từ mức 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Có thể nói, đây là một quy định mới có tính tích cực vì sẽ góp phần thúc đẩy các hàng quán bán thức ăn đường phố phải nỗ lực hoàn thiện về các điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ẩm thực đường phố tại Việt Nam, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà nẵng… được nhiều tổ chức quốc tế, các hãng thông tấn, tạp chí chuyên về du lịch thế giới đánh giá là đặc sắc, hấp dẫn. Tuy nhiên, song song với những lời khen cũng dấy lên nỗi lo. Đó là thức ăn đường phố Việt Nam chưa hoàn toàn khiến thực khách và khách du lịch yên tâm về vấn đề bảo quản, các điều kiện bảo đảm an toàn và vệ sinh.
Tay trần bốc bún chế biến cho thực khách tại một quán ăn vỉa hè (ảnh: Thiên Chương/Vnexpress.net).
Đơn cử, nhiều hàng quán trên hè phố bày bán thức ăn chín như phở, bún, miến, thịt nướng.v.v… nhưng không trang bị tủ, kệ; đặc biệt là thiếu các vật dụng, thiết bị che đậy ngăn bụi bẩn, côn trùng, vi khuẩn. Và phổ biến nhất là rất nhiều hàng quán bán thức ăn đường phố không thực hiện đúng các quy định về bảo đảm vệ sinh trong chế biến, điển hình là người bán/chế biến thức ăn không mang găng/bao tay khi bốc, hốt bánh phở, bún, thịt, rau giá… cho vào bát.
Thậm chí có những quán bán quà ăn sáng, ăn đêm trên hè phố, bàn tay người chế biến trở thành “đa năng” khi vừa bốc bánh phở/bún, thịt cho vào bát, nhưng cũng vừa thu tiền và thối tiền (tiền giấy lưu thông trên thị trường rất dễ thấm mồ hôi, nhiễm khuẩn…), cũng kiêm luôn việc dọn rác dưới gầm bàn/ghế rồi sau đó chỉ việc lau vào một chiếc khăn chung dùng để lau tay, lau tô bát, lau thớt, lau bàn…
Không ít người đứng bán hàng lại còn cởi trần, đứng lâu gần lò mồ hôi nhễ nhại, thỉnh thoảng dùng tay quệt mồ hôi xong cứ thế lau qua loa bằng chiếc khăn như lau bát và lau thớt, rồi cũng dùng chính đôi bàn tay trần ấy bốc thức ăn cho khách.
Tất nhiên, nhiều thực khách cũng thấy như vậy là mất vệ sinh, phản cảm, song mỗi khi phản ứng lại hành vi ấy thậm chí còn bị xem như “sinh vật xa lạ”, làm khó, vẽ chuyện…
Quy định mới hẳn nhiên là được người tiêu dùng rất hoan nghênh vì liên quan thiết thân đến sức khỏe và cũng nhằm bảo vệ cho quyền lợi về an toàn sức khỏe của họ. Tình trạng dùng tay trần bốc thức ăn chín cho khách hiện nay tràn lan ở các quán ăn đường phố, cần phải được hạn chế dần và chấm dứt.
Không thể cứ tiếp tục bán hàng theo thói quen không bảo đảm điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm như vậy. Sau khi quy định mới có hiệu lực, các cơ quan chức năng cần ra quân diện rộng để kiểm tra, xử lý nhằm răn đe đối với bên bán hàng.
Theo Thế Lâm