Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục mà Bộ GDĐT đang đưa ra lấy ý kiến dư luận tiếp tục gây tranh luận trong giáo viên và cả phụ huynh.
Mới đây, Bộ GDĐT đã lấy ý kiến dư luận về Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Dự thảo có nhiều điều quy định về việc phạt hành chính đối với các hành vi không đúng “chuẩn” của giáo viên đối với học sinh.
Cụ thể: Trường hợp vi phạm quy định về xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Đồng thời, buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm quy định. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học. Ngoài ra, sẽ đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định trên.
Giáo viên kêu bị đặt vào “thế khó”
Trước thông tin trên, nhiều giáo viên hiện đang giảng dạy tại các trường học bày tỏ sự hoang mang. Cô Thu Hương – giáo viên Trường Tiểu học TS (TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) bày tỏ: “Việc giáo dục học sinh trong trường là một quá trình dài và gian khó. Ngoài chuyển tải kiến thức sách vở còn cần có nhiều việc cần sự mềm mỏng, cũng như kết hợp với cứng rắn để chỉ cho các em biết được thế nào là đúng, sai. Giáo viên phải tự ý thức được vị trí, vai trò của mình để có cách thức phù hợp với từng học sinh, lớp khác nhau”.
Giáo viên liệu có gặp khó khăn trong công tác đối với quy định mới? (Ảnh minh họa: Việt Phương)
“Do đó, những quy định trong Dự thảo Nghị định về việc xử phạt giáo viên không chỉ gây khó khăn trong việc giảng dạy, mà còn làm chúng tôi có thêm một nỗi sợ hãi mơ hồ. Hiện tại tôi chưa rõ quy định như thế nào là xúc phạm, là xâm phạm học sinh. Đâu phải cứ chửi tục mới là xúc phạm, nếu giáo viên không cẩn thận thì chỉ cần làm học sinh xấu hổ trước mặt bạn bè đã là một sự xâm phạm tinh thần to lớn rồi, thế nên tôi cho rằng nghị định này là không hợp lý và khó thực hiện đúng khi đưa vào thực tế”, cô Hương chia sẻ.
Thầy T.M.C – giáo viên một trường THCS tại Hà Nội cũng nhận định: “Lương giáo viên hiện tại không cao, có thể nói là thấp so với nhiều nghề khác. Việc xử phạt hành chính liệu có làm cho các thầy, cô thêm yêu nghề hơn hay không? Chưa kể tới việc trong quá trình tiếp xúc với học sinh, giáo viên chỉ vô ý một chút, phụ huynh khi nghe sự việc không hiểu rõ làm quá lên thì giáo viên rất thiệt thòi. Tôi nghĩ cần phải xét tính chất cụ thể của từng sự việc, không thể đánh đồng để xử phạt”.
Bộ GDĐT cho biết, việc xây dựng Nghị định kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành; tạo cơ sở pháp lý chung, áp dụng thống nhất trong công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục trên toàn quốc.
Giáo viên có thể e ngại mà lờ đi lỗi của học sinh
Nhiều phụ huynh cũng băn khoăn, quy định xử phạt này có thể làm ảnh hưởng tới mối quan hệ khăng khít giữa thầy và trò.
“Dự thảo nghị định kể trên của Bộ GDĐT có lẽ xuất phát từ nhiều vụ việc mà người thầy đã vượt quá vị trí của mình trong trường học thời gian gần đây để xúc phạm, đánh đập học sinh. Về phía cá nhân tôi, tôi ủng hộ có những chế tài cụ thể đối với các hành vi xâm hại về mặt thân thể của học sinh. Nhưng điều này cần phải có lộ trình và được nghiên cứu cụ thể để có những quy định đúng đắn. Liệu các thầy, cô có e ngại khi tiếp xúc với học sinh khi nghị định này chính thức được ban hành hay không?” – chị Hoài Anh, có con học ở Trường Tiểu học Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Có ý kiến cho rằng, nếu ban hành nghị định này, giáo viên sẽ ngại va chạm mà lờ đi những sai phạm của học sinh, đặc biệt là các em hay chống đối các quy định của lớp, nhà trường. Những hành động nghiêm khắc xuất phát từ cái tâm của người thầy sẽ vô hình trung trở nên xấu xí và nguy hiểm cho chính những giáo viên đó.
Theo Hà My