logo
banner top
banner top

Chàng trai kể chuyện những đứa trẻ nghèo qua ảnh

Ngày đăng: 27/10/2018 9:07

Đưa hai cô bé xin quá giang giữa trưa nắng, Trung (Bình Phước) ngỡ ngàng khi nhà em là một cái chòi xiêu vẹo nằm trong bãi rác khổng lồ.

Đó là một buổi trưa tháng 5 oi ả. Đinh Chí Trung, 30 tuổi, chàng nhiếp ảnh gia quê Bình Phước tuyệt vọng sau nửa ngày lang thang trên Phú Quốc không tìm được nhân vật cho dự án “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam” của mình. Bởi, đã lâu rồi những đứa trẻ ở đây không phải đi biển nữa.

banner

“Tôi dừng lại trên đường kiểm tra hành lý và quyết định tới một khách sạn khác ở gần trung tâm. Lúc đó có 2 cô bé tiến tới, mồ hôi ướt nhẹp, một trong 2 cô bé tên là Ngà, em rụt rè xin tôi quá giang về nhà. Tất nhiên là tôi đồng ý ngay. Tôi rất vui vì điều đó, vả lại hướng nhà của cô bé cũng khá tiện đường. Nhưng khi đến nơi thì tôi thật sự ngỡ ngàng, nhà em chính xác là một cái chòi xiêu vẹo nằm trong bãi rác khổng lồ”, Trung nhớ lại.

Bé Ngà, 9 tuổi và những con búp bê nhặt trên bãi rác - nơi sinh sống của gia đình em. Ảnh: Đinh Chí Trung.

Bé Ngà, 9 tuổi và những con búp bê nhặt trên bãi rác – nơi sinh sống của gia đình em. Ảnh: Đinh Chí Trung.

Khoảnh khắc đó Trung biết đây chính là nhân vật mình cần. “Cô bé Ngà 9 tuổi, nhưng chưa được đi học. Ngà sống cùng cha mẹ – những người quê An Giang, tới Phú Quốc mưu sinh 20 năm. Nhưng cuộc sống quá khó khăn, họ không có đất đai, mưu sinh bằng nghề nhặt phế liệu trên bãi rác và sống luôn tại đây”, Trung kể.

Sau một buổi chiều và đêm sinh hoạt cùng gia đình bé Ngà, chàng nhiếp ảnh gia cho ra đời bộ ảnh “Ngà và nàng Elsa trên đồi rác” ám ảnh người xem. “Ngà thích nhất con búp bê Elsa, cũng như nhiều đồ chơi khác đều được em nhặt từ bãi rác. Tôi nhận thấy em đang hạnh phúc trong ngôi nhà của mình. Chỉ là hạnh phúc đó bị giới hạn trong cuộc sống khó khăn, một đứa trẻ 9 tuổi chưa thể đòi hỏi những thứ tốt hơn cái mà nó chưa từng nhìn thấy”, Trung viết.

Tháng 7, Đinh Chí Trung đặt chân tới xứ Nghệ. Sau cơn bão số 3, vùng đất Nghi Lộc trở nên xơ xác. Sau bốn ngày chôn chân tại đây, chợt một hôm anh thấy bên mép đường, một cô bé có nụ cười rạng rỡ đang bán rau cùng chị gái.

Clip đề xuất - Duy Phương: Chẳng ai mong mình bị bệnh để xin tiền người khác

Trung tiếp cận hai bé và chụp hình. Thật không may, với chất giọng lạ, chàng nhiếp ảnh bị người xung quanh tưởng là “bắt cóc trẻ con” hoặc “hội truyền đạo” nên dè chừng. Chẳng mấy chốc, gia đình cô bé kéo đến.

“Khi mình đang chụp hình thì mẹ bé chạy đến ôm lấy con và chở bé đi trong sự sợ hãi. Chú và bố của các em thì phản ứng gay gắt hơn, họ chặn xe và kiên quyết dẫn mình lên công an xã”, anh cười kể.

Sau khi lên đồn công an, Trung được các cán bộ ở đây giải vây. Lúc này anh vẫn kiên trì trong việc được tiếp xúc với cô bé đáng yêu này và sau cùng gia đình đã đồng ý. Bộ ảnh bé Vân, 11 tuổi bán rau đã ra đời sau 2 ngày sinh hoạt cùng gia đình cô bé.

Trung trong chuyến đi Hà Giang thực hiện dự án của mình đầu tháng 10 vừa qua.

Trung trong chuyến đi Hà Giang thực hiện dự án của mình đầu tháng 10 vừa qua.

Đinh Chí Trung từng là một kỹ sư nông nghiệp. Đi làm vài năm, anh chuyển hướng học thiết kế đồ họa, rồi tìm thấy niềm đam mê với nhiếp ảnh. Vốn tình nhút nhát, hiền lành, Trung thích được chụp trẻ con, những bức ảnh đầu tiên, anh đã chụp cháu mình. Năm 2016, Trung nghỉ việc về quê mở một studio chuyên chụp ảnh trẻ em. Cũng trong thời gian đó, ý định làm dự án “100 câu chuyện về trẻ em Việt Nam ” được hình thành.

“Mỗi đứa trẻ là một câu chuyện, chúng cũng có những suy nghĩ riêng. Mình muốn ghi lại tuổi thơ của những đứa trẻ, để ai xem cũng nhìn thấy hình ảnh hồn nhiên, đáng yêu ngày xưa của mình”, Trung bày tỏ.

Ở bộ ảnh đầu tiên, Trung thực hiện ngay tại quê hương mình ở Phước Long, (Bình Phước) về bé Hân. Nhờ bố mẹ quen biết, Trung thuận tiện tiếp cận với Hân và gia đình em. Đây là lần đầu tiên Hân rời xa quê hương của mình, từ vùng sông nước Sóc Trăng lên vùng núi hoang vu lạ lẫm này. Hàng ngày, Hân chơi với em nhỏ 8 tháng tuổi và nhặt những trái điều chín mọng. Trung đã đi lại nhiều lần để ghi lại mùa điều năm lên 4 của cô bé.

Bé Hân và mùa điều năm lên 4. Ảnh: Đinh Chí Trung.
Bé Hân và mùa điều năm lên 4. Ảnh: Đinh Chí Trung.

“Khi đi làm về Cường, cậu bé 13 tuổi ở trên một ghe tàu thuộc đảo Thiềng Liềng (Cần Giờ), mình rất khó khăn để tiếp xúc. Mình phải sinh hoạt cùng tụi nhỏ trên ghe, đi chợ, đánh bài… thì lúc gần về cậu bé mới thoải mái hơn”, Trung chia sẻ. Làm nhiều về trẻ con, anh thấy cứ chân thành sẽ có được lòng trẻ.

Thường một tháng, Trung sẽ tổ chức hai đến ba chuyến đi vào các ngày trong tuần. Cuối tuần anh thường chụp ảnh ở tiệm nhỏ của mình để có kinh phí thực hiện dự án. May mắn, ngay từ những bộ ảnh đầu tiên đăng tải đã có tiếng vang. Một số cá nhân đã ủng hộ các hoàn cảnh Trung đi chụp.

Đến nay, Trung đã hoàn thành 11 bộ ảnh, tất cả đều là những nhân vật hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn như cậu bé mồ côi 12 tuổi nuôi lợn để dành tiền ăn học ở Quảng Nam.

Chị Mỹ Duyên, đang làm về bất động sản ở Đồng Xoài (Bình Phước), chia sẻ: “Khi Trung ra các bộ ảnh, mình thấy các bé thiệt thòi quá. Tuy mình không có điều kiện nhưng giúp được các bé phần nào, mình sẽ giúp”. Hiện chị Duyên nhận đỡ đần Trung khâu quà tặng đến gia đình các bé mỗi khi anh đi thực hiện bộ ảnh mới.

Anh Lai Thượng Hưng (TP HCM)  – tác giả bộ tranh thơ Tốt lành nho nhỏ – chia sẻ, anh từng làm chung một công ty với Trung. Năm 2016, Trung và Hưng đều rẽ đi những hướng khác nhau, họ vẫn giữ tình bạn thân thiết. “Trung hiền, rất quan tâm đến mọi người, tỉ mỉ đến những cái nhỏ nhất. Tôi gợi ý thay vì chỉ chụp ảnh thì Trung thử chụp thêm những nhân vật mà mình tự tìm, tôi tin là Trung sẽ tìm ra được những câu chuyện rất hay, những góc nhìn rất đặc biệt về tụi nhỏ. Không ngờ cậu ấy làm thật và bước đầu đã làm tốt”, Hưng chia sẻ.

Theo Phan Dương

Theo VnExpress

Tags: ,