logo
banner top
banner top

Bộ Văn hoá nói gì trước ý kiến đưa NSƯT Xuân Bắc lên làm Giám đốc Nhà hát Kịch?

Ngày đăng: 10/01/2019 19:02

Bộ VHTT&DL đã có những phát ngôn chính thức về kế hoạch nhân sự vị trí Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, việc sáp nhập Hãng Phim truyện Việt Nam và các dự án “siêu tâm linh” nghìn tỷ ở các khu Di tích Quốc gia đặc biệt.

Chiều nay (9/1), Bộ VHTT&DL đã tổ chức tổng kết công tác văn hoá, thể thao và du lịch Quý IV năm 2018. Tại sự kiện này, giải đáp thắc mắc của Dân trí về kế hoạch nhân sự vị trí Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam thay NSND Anh Tú vừa qua đời, ông Nguyễn Thái Bình – Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL cho biết, sự ra đi của NSND Anh Tú là một tổn thất vô cùng to lớn của Bộ cũng như ngành sân khấu phía Bắc.

Về kế hoạch nhân sự Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam trong thời gian tới thì hiện Bộ VHTT&DL đang tiến hành thủ tục theo đúng quy định của pháp luật về bổ nhiệm, miễn nhiệm, kéo dài, từ chức… đối với cán bộ quản lý.

Bộ Văn hoá nói gì trước ý kiến đưa NSƯT Xuân Bắc lên làm Giám đốc Nhà hát Kịch? - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi họp báo chiều nay tại văn phòng Bộ VHTT&DL. Ảnh: Tùng Long.

Trước đó, khi được hỏi ai phù hợp với vị trí Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam trong thời gian tới, NSƯT Trung Anh cho rằng, không cần bàn thêm vì không còn lựa chọn nào khác ngoài NSƯT Xuân Bắc – Phó Giám đốc Nhà hát. Đặt trường hợp sẽ có nghệ sĩ từ Nhà hát khác về lãnh đạo, NSƯT Trung Anh nhận xét rằng, có bao nhiêu người bên Nhà hát Tuổi trẻ đã lấy hết sang Nhà hát Kịch rồi, còn những nhà hát khác thì vô số nghệ sĩ nên anh không đánh giá.

Trong khi đó, một vị nguyên là lãnh đạo của Nhà hát Tuổi trẻ lại nghĩ đây là cơ hội cho những người trẻ thử thách và chứng minh.

“Cá nhân tôi nghĩ thời điểm này chưa thể đưa ai về Nhà hát Kịch Việt Nam được. Hiện tại nhà hát đang rất hoang mang, đưa ai về đấy làm lãnh đạo là loạn ngay, là xáo trộn không cần thiết, mất đoàn kết. Vì thế hợp lý nhất là Phó Giám đốc Xuân Bắc sẽ được đưa lên làm phụ trách.

Dù muốn hay không muốn thì Xuân Bắc cũng đang là Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam 2 năm nay rồi và cần có cơ hội thử thách để chứng minh năng lực. Anh Tú ngày trước cũng có 5 năm làm Phó Giám đốc, nửa năm là Phó Giám đốc phụ trách rồi mới được bổ nhiệm quyền Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Vẫn chưa được tin tưởng khả năng quản lý thì phải thử thách là điều bình thường”.

Bộ Văn hoá nói gì trước ý kiến đưa NSƯT Xuân Bắc lên làm Giám đốc Nhà hát Kịch? - Ảnh 2.

Bộ VHTT&DL cho biết, Bộ chưa nhận được bất kỳ hồ sơ chính thức nào từ doanh nghiệp đề xuất xây dựng công trình “siêu tâm linh” ở chùa Hương.

Bày tỏ quan điểm của Bộ VHTT&DL trước “hiện tượng” có rất nhiều doanh nghiệp ngỏ ý muốn xây dựng các công trình tâm linh quy mô lớn ở các quần thể di sản nổi tiếng, gần đây là dự án “siêu tâm linh” ở chùa Hương – Hà Nội gây ra nhiều tranh cãi trái chiều, ông Nguyễn Thái Bình cho rằng, cho đến giờ phút này, đây mới chỉ là ý kiến của doanh nghiệp đầu tư với UBND TP. Hà Nội nên Bộ chưa nắm được thông tin cụ thể để trả lời kỹ lưỡng.

Liên quan đến tiến độ sáp nhập Hãng Phim truyện Việt Nam vào Đài Tiếng nói Việt Nam và chuyện Tổng Công ty Vận tải thuỷ (Vivaso) khi nào sẽ thoái vốn theo quy định, đại diện Bộ VHTT&DL cũng cho biết, ngày 29/10/2018, Bộ VHTT&DL có công văn gửi nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, BGĐ Hãng Phim truyện Việt Nam qua các thời kỳ và người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty TNHH MTV Hãng Phim truyện Việt Nam về triển khai kết luận thanh tra quá trình cổ phần hoá Hãng Phim truyện.

Ngày 16/11/2018, Ban đổi mới Hãng Phim truyện Việt Nam của Bộ VHTT&DL đã có buổi làm việc với nhà đầu tư chiến lược là Tổng Công ty Vận tải thuỷ và Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Phim truyện Việt Nam về phương án rút làm nhà đầu tư chiến lược tại Hãng Phim truyện Việt Nam.

“Hiện nay Bộ VHTT&DL đã nhận được công văn của Đài Tiếng nói Việt Nam về việc đề xuất Hãng Phim truyện Việt Nam là thành viên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ VHTT&DL –  Đài Tiếng nói Việt Nam đã tổ chức cuộc họp đề xuất Hãng Phim truyện Việt Nam là thành viên của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tại thông báo kết luận thanh tra công tác cổ phần hoá Hãng Phim truyện Việt Nam, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo lãnh đạo Bộ VHTT&DL làm việc với nhà đầu tư mới đáp ứng được đầy đủ các điều kiện quy định và các điều kiện liên quan để tiến tới hoàn thiện thủ tục chuyển giao Hãng Phim truyện Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 3/12/2018, Bộ VHTT&DL đã tổ chức buổi làm việc với Đài Tiếng nói Việt Nam và đề xuất Hãng Phim truyện Việt Nam nay là Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Phim truyện Việt Nam là thành viên của Đài. Sau cuộc họp, Bộ VHTT&DL cùng Đài Tiếng nói Việt Nam thống nhất một số nội dung liên quan đến việc tiếp nhận này. Bộ cũng đã có công văn báo cáo Thủ tưởng Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo.

Bộ Văn hoá nói gì trước ý kiến đưa NSƯT Xuân Bắc lên làm Giám đốc Nhà hát Kịch? - Ảnh 3.

Hãng Phim truyện Việt Nam sẽ sáp nhập Đài Tiếng nói Việt Nam trước Tết Nguyên Đán?

Ngày 2/9, Bộ VHTT&DL tiếp nhận được văn bản về việc chuyển giao Hãng Phim truyện Việt Nam sang Đài Tiếng nói Việt Nam. Tuy nhiên, đây là văn bản mật nên chưa thể cung cấp được”, đại diện lãnh đạo Bộ VHTT&DL chia sẻ.

Trong báo cáo về công tác văn hoá, thể thao và du lịch Quý IV năm 2018 cũng cho biết, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng 11 di tích quốc gia đặc biệt (đợt 9) và công nhận 22 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia (đợt 7).

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL quyết định xếp hạng 14 di tích quốc gia; đưa 43 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tổ chức tốt công tác xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Hoàn thiện hồ sơ “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”; xây dựng hồ sơ “Xòe Thái” và “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” trình UNESCO.

Chỉ đạo, tổ chức tốt Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ X tại tỉnh Vĩnh Phúc 2018. Các tỉnh vùng dân tộc thiểu số thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng mang tính cộng đồng; nhiều địa phương đã triển khai các đề án về bảo tồn phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn như: Lào Cai, Lai Châu, Nghệ An, Tuyên Quang, Điện Biên…

Tổ chức thành công nhiều chương trình nghệ thuật, các đợt chiếu phim, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch.

Công tác gia đình được triển khai đồng bộ, đảm bảo chất lượng và yêu cầu đề ra. Tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam và các văn bản, chương trình, đề án đã được phê duyệt. Triển khai tổng kết tại các địa phương và tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo Hà Tùng Long

Theo Dân Trí

Tags: ,