Việc HĐND TP.Hồ Chí Minh đồng ý xây dựng Nhà hát giao hưởng Nhạc và Vũ kịch đạt chuẩn quốc tế tại Thủ Thiêm với mức đầu tư trên 1.500 tỷ đang gây tranh cãi mạnh mẽ trong dư luận. Liên quan đến vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng – Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Thưa ông, ông có nhìn nhận thế nào về việc HĐND TP.Hồ Chí Minh đồng ý xây dựng Nhà hát giao hưởng Nhạc và Vũ kịch đạt chuẩn quốc tế tại Thủ Thiêm với mức đầu tư trên 1.500 tỷ?
Trong hoàn cảnh hiện tại, tôi không đồng tình với việc xây dựng nhà hát của TP.Hồ Chí Minh. Hiện nay, TP.Hồ Chí Minh đã được giao một cơ chế mới – cơ chế tự chủ, giúp cho TP.Hồ Chí Minh thực sự trở thành một thành phố phát triển văn minh, đảm bảo nguồn thu để phục vụ cho nhu cầu của đất nước. Trong đó, thực sự phát triển là phải làm sao nâng cao đời sống của người dân trong thành phố, và thực sự thực hiện được triết lý của thành phố đưa ra là một TP.Hồ Chí Minh văn minh, giàu đẹp, nghĩa tình. Chính vì vậy, việc xây dựng một nhà hát hoa mỹ là việc không cần thiết, trong khi đó TP.Hồ Chí Minh còn rất nhiều vấn đề xã hội đang cấp bách, cần nguồn vốn để hỗ trợ, giải quyết.
Dự án nhà hát 1.500 ty đồng sẽ xây dựng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM.
Ông có thể nói rõ hơn về những vấn đề xã hội còn đang gặp khó khăn ở TP.Hồ Chí Minh đó?
TP.Hồ Chí Minh đang có rất nhiều vấn đề cần phải được đầu tư và được đầu tư một cách quyết liệt chứ không phải đầu tư theo kiểu “được chăng hay chớ”. Các vấn đề còn nan giải như chống ngập, đường sắt, bệnh viện… còn chưa được giải quyết hiệu quả.
Ví dụ như dự án đường sắt đô thị TP.Hồ Chí Minh đang rất cần được quan tâm, cần có sự tập trung đầu tư lớn để đảm bảo công trình nhanh chóng được đưa vào sử dụng. Cụ thể, dự án này đang đứng trước nguy cơ bế tắc vì gặp khó khăn về nguồn vốn do chưa được phép giải ngân. Trong khi đó, đề nghị của Ban quản lý đường sắt đô thị TP.Hồ Chí Minh lên Thường trực HĐND TP.Hồ Chí Minh về chủ trương tiếp tục tạm ứng vốn khoảng 1.000 tỷ đồng trong năm 2018 vẫn chưa có kết quả. Do gặp khó khăn về nguồn vốn, một số nhà thầu đã có thư thông báo sẽ cắt giảm tiến độ thi công, thậm chí ngưng thi công.
Tiếp đó, là vấn đề triều cường, ngập nước ở TP.Hồ Chí Minh đang rất nan giải, nhức nhối khiến người dân mong mỏi từng ngày bao giờ có câu trả lời cho câu hỏi: “Bao giờ TP.Hồ Chí Minh hết ngập, người dân hết lội nước?”. Việc chống ngập, đầu tư của TP.Hồ Chí Minh cũng có nhưng mà chưa tới. Và còn nhiều các vấn đề khác nữa…
Có ý kiến cho rằng, vấn đề Thủ Thiêm vẫn còn đang “nóng” khi vừa kết thúc thanh tra, một số vi phạm đang trong quá trình xem xét, xử lý trách nhiệm, cộng với đó là nỗi đau của người dân Thủ Thiêm chưa nguôi ngoai dẫn đến việc xây dựng nhà hát bị phản ứng dữ dội. Ông nghĩ sao về luồng ý kiến này?
Có thể nói, việc xây dựng nhà hát tại Thủ Thiêm, ở ngay nơi nỗi đau của người dân Thủ Thiêm hơn 20 năm trời chưa được giải tỏa là vô cùng phản cảm. Tất cả nỗi đau đó không chỉ mới xuất hiện mà nó đã âm ỉ hơn 20 năm nay. Thời gian qua, nó bùng lên do chưa giải quyết thấu đáo, đến nơi đến chốn giờ thêm thông tin đó nhà hát với tổng số vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ thì họ sẽ nghĩ sao?
Nếu giả sử xây dựng 1 công trình phúc lợi xã hội, mang yếu tố dân sinh phục vụ cho người dân thì nó khác hoàn toàn so với làm nhà hát. Người ta không phản đối xây nhà hát mà người ta phản đối xây nhà hát vào thời gian này và vào địa điểm đó. Việc xây nhà hát không đúng với nguyện vọng của quần chúng nhân dân, lại xoáy sâu vào nỗi đau của họ là việc làm rất phản cảm?
Có một thực tế không thể phủ nhận, là thời gian qua, nước ta đã có không ít các công trình nghìn tỷ, nhưng khi xây dựng xong các công trình đó ít được người dân “ngó ngàng” rồi xuống cấp nghiêm trọng gây lãng phí. Ông nghĩ gì về sự “xót xa sau những hoành tráng” này?
Đó là sự lãng phí và sự lãng phí đó tội với nhân dân đất nước. Từ Bắc vô Nam đâu đâu cũng thấy các công trình văn hóa xa hoa nghìn tỷ nhưng lại như bị “bỏ hoang”, nhân dân đâu có cần những thứ hoành tráng đó. Việc chạy đua theo phong trào, chạy đua theo các dự án nghìn tỷ lộng lẫy xa hoa đã tiêu tốn biết bao nhiêu tiền của, khiến người dân vô cùng bức xúc mệt mỏi. Và kết quả lại là sự xót xa…
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng.
Liên quan đến việc xây nhà hát 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm, Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh nói sẽ không chạy theo dư luận. Theo ông, việc xây dựng nhà hát có nên lấy ý kiến của người dân không?
Tại sao trước một công trình với mức đầu tư lớn lại không lấy ý kiến của đông đảo người dân? Có thể khẳng định, ngân sách không phải là của riêng TP.Hồ Chí Minh mà là của cả nước, làm cái gì, thực hiện cái gì thành phố cũng phải cân nhắc, xem xét kĩ lưỡng, lắng nghe ý kiến của quần chúng nhân dân. Vì thành phố đã được Quốc hội giao cho nhiệm vụ đặc thù, một vinh dự rất lớn đó là cơ chế tự chủ, TP.HCM phải lên kế hoạch, những gì thể hiện trong vòng 5 năm đó để xứng đáng với được giao thí điểm đó.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Khánh Ngân