logo
banner top
banner top

Thích thì… cấm!

Ngày đăng: 13/01/2019 15:09

Quyết định 12/QĐ-UBND vừa được UBND TP Hà Nội ban hành đã gây tranh cãi nhiều trong dư luận về điều khoản người dân đến cơ quan công quyền không được ghi âm, ghi hình khi chưa được sự đồng ý của cán bộ tiếp dân.

Điều khoản này có lẽ xuất phát từ thực tế thời gian qua nhiều cán bộ nhà nước hách dịch, quan liêu, hớ hênh hoặc làm việc riêng trong giờ hành chính đã bị ghi hình, phát trên mạng xã hội, dẫn tới bị chỉ trích, kiểm điểm, kỷ luật, thậm chí mất việc. Từ đó, sự cấm đoán trong Quyết định 12/QĐ-UBND thiên về bảo vệ cán bộ!

Nhưng cán bộ tốt mới bảo vệ chứ cán bộ hỏng thì bảo vệ làm gì, trái lại phải để người dân vạch trần thói hư tật xấu để xử lý, qua đó làm trong sạch bộ máy.

Mà đã là cán bộ giỏi việc, tận tâm, lễ độ thì đâu cần được bảo vệ bằng những quy định hành chính kiểu như vậy. Làm tốt và gương mẫu thì sợ gì ghi âm và ghi hình; cứ để người dân ghi âm, ghi hình và đăng phát rộng rãi nhằm biểu dương người tốt – việc tốt chứ!

Một lẽ khác, ghi âm, ghi hình mà phải thông báo, hỏi ý kiến hay xin phép người được ghi âm, ghi hình thì còn gì mục đích, ý nghĩa của sự giám sát nữa.

Thích thì... cấm! - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Tóm lại, không được ghi âm, ghi hình khi chưa được sự đồng ý của cán bộ tiếp dân là một quy định xa rời thực tiễn và tùy tiện. Thậm chí, theo TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp, Quyết định 12/QĐ-UBND có dấu hiệu trái luật, cần phải thu hồi.

Vụ việc này gợi nhớ lại trường hợp của Cục CSGT Đường bộ – Đường sắt trước đây ban hành văn bản trong đó có quy định “chụp ảnh, quay phim CSGT phải xin phép”. Trong bối cảnh lực lượng CSGT bị mang tiếng tiêu cực nhiều, sự cấm đoán đó cũng bị dư luận phản đối gay gắt, khiến chẳng lâu sau Cục CSGT Đường bộ – Đường sắt phải hủy bỏ quy định nói trên trong văn bản đã ban hành.

Trong thực tế, những quy định cấm được ban ra vì nhiều lẽ. Bên cạnh những lý do rất chính đáng, đúng pháp luật, có lợi cho cộng đồng thì có nhiều nguyên nhân khác như: cấm vì quản không nổi, cấm vì lợi ích nhóm, cấm vì kém hiểu biết pháp luật, cấm vì… sợ. Sợ là sợ ảnh hưởng tới lợi riêng của mình, chiếc ghế của mình. Mọi sự cấm đoán tùy tiện ấy, suy cho cùng, đều dựa vào một thứ là quyền lực. Có nơi ban lệnh cấm mà chẳng nghĩ mấy đến đối tượng bị tác động, thành ra vô cảm và lạm quyền. Như trường hợp UBND tỉnh Quảng Nam ra văn bản dừng xuất nhập khẩu gỗ qua cửa khẩu Nam Giang (thông với Lào) vì lý do Quốc lộ 14D nối cửa khẩu Nam Giang với Quốc lộ 14B xuống TP Đà Nẵng đã xuống cấp, phải dừng xuất nhập khẩu gỗ để xe khỏi lưu thông, bớt hỏng đường. Doanh nghiệp lao đao, phải 6 tháng sau khi họ kêu cứu và báo chí lên tiếng thì tỉnh mới tìm phương án giải quyết, trong đó có phương án… “chờ ý kiến”!

Với pháp luật hiện nay, bất cứ doanh nghiệp hay công dân nào cũng có quyền kiện bên ban hành quy định sai trái ra tòa. Cần ủng hộ cách hành xử văn minh này, song song đó, nhà nước phải xử lý nghiêm những cá nhân có thẩm quyền ký ban hành những quyết định đó thì mới ngăn chặn được phần nào tình trạng cấm đoán tùy tiện của các cơ quan hành chính công
Theo Cát Tường
Theo Người Lao Động

Tags: , ,