Sau khi dư luận đặt nghi vấn về điểm thi ở Hà Giang, cơ quan chức năng vào cuộc truy tìm được người nâng điểm cho hơn 300 thí sinh. Các chuyên gia giáo dục đã có những phát ngôn mạnh mẽ trước sự việc rúng động dư luận này.
Điểm thi của một số cá nhân quá cao so với sức học
Là người khởi đầu cho những nghi vấn xung quanh việc gian lận điểm thi ở Hà Giang, ngày 13.7, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Đỗ Ngọc Hà, giáo viên Vật lý hiện đang công tác trong hệ thống giáo dục HOCMAI, cho biết: “Có nhiều thí sinh tham gia kỳ thi tại Hà Giang đã gửi cho tôi những thông tin bên lề về quá trình học tập của các thí sinh đạt điểm cao. Nhiều người khẳng định, điểm thi của một số cá nhân quá cao so với khả năng người đó thể hiện trong quá trình học tập, đặc biệt là trong thời gian trước khi thi”.
Ông Đỗ Ngọc Hà là người “nổ phát súng” đầu tiên xung quanh nghi vấn điểm thi của thí sinh ở Hà Giang. Ảnh: I.T
Nhiều bạn học không giỏi mà điểm cao bất thường
Đây là phát ngôn của Hà My – học sinh giỏi ở trường THPT chuyên Hà Giang. Nữ sinh đạt hơn 20 điểm cho tổ hợp mình đăng ký xét tuyển. My chỉ thi thử môn Ngữ văn tại trường. So với lần thi chính thức, kết quả chênh lệch không nhiều.
Nữ sinh này nói không băn khoăn gì về điểm đạt được vì nó phản ánh đúng lực học của bản thân khi đề có phần quá sức. Điều khiến My không hài lòng là những bạn học không nổi trội lại đạt điểm cao quá mức, một cách bất thường.
“Chúng em rất buồn khi bạn học giỏi nhất trường cũng chỉ được 25,3 điểm. Bạn ấy được rất nhiều giải thưởng, đi thi quốc tế nữa. Bây giờ, bao nhiêu bạn học không quá nổi trội mà điểm cao bất thường…”, My nói.
Quả bom giáo dục đã nổ
“Bom tấn. Quả bom giáo dục ở Hà Giang đã nổ. Không nổ lúc này thì sẽ nổ lúc khác, không ở Hà Giang thì sẽ ở tỉnh khác, không thể khác được”, là lời PGS.TS Phạm Quang Long – Giảng viên trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội) trao đổi với Pháp luật Việt Nam ngày 18.7.
PGS.TS Phạm Quang Long – Giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng vụ việc ở Hà Giang là quả bom tấn. Ảnh: I.T
Khiến cả thế giới phải kinh ngạc và cảm thấy vô lý
PGS-TS Đỗ Văn Xê – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Cần Thơ, người nhiều năm tham gia các hội đồng coi thi, chấm thi THPT Quốc gia khi trao đổi với Dân Việt cho rằng: “Việc can thiệp vào bài thi trắc nghiệm của thí sinh để làm thay đổi kết quả là việc làm không thể chấp nhận được, đó là một hành động trắng trợn. Hành động này không chỉ khiến những người làm giáo dục sốc mà sẽ khiến cả thế giới phải… kinh ngạc và cảm thấy rất vô lý”.
PGS.TS Đỗ Văn Xê – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Cần Thơ
Thi trắc nghiệm là cơ hội để địa phương mắc bệnh thành tích cố tình làm sai lệch kết quả
Ngày 17.7, trao đổi với Dân Việt, ông TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Đại học FPT nhận định: “Việc sử dụng thi trắc nghiệm đã bộc lộ nhiều điểm yếu. Lẽ ra nên chấm thi tập trung thì Bộ GDĐT lại phân ra cho từng địa phương chấm. Đây là cơ hội để địa phương mắc bệnh thành tích cố tình làm sai lệch kết quả. Bộ GD-ĐT cần phải có những thay đổi nếu vẫn muốn tiếp tục sử dụng hình thức thi trắc nghiệm”.
Ông TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Đại học FPT.
Cần phải rà soát lại tất cả các thí sinh có điểm cao trên toàn quốc
TS Toán học Lê Thống Nhất – người sáng lập hệ thống trường BigSchool cho rằng, đây chỉ là một kẽ hở từ phiếu trả lời trắc nghiệm bị lợi dụng, trong khi còn nhiều “kẽ hở” khác chưa được “xoáy” vào để tìm ra những sai phạm. Ông đặt ra câu hỏi: “Ai khẳng định là các đơn vị tổ chức thi THPT Quốc gia 2018 còn lại không biết hoặc không dám làm cách này?”. Ngoài ra, nếu như điểm thi ở Hà Giang chỉ sửa vừa phải và phổ điểm đẹp thì chắc khó bị nghi ngờ hơn.
Để lấy lại niềm tin của dư luận, cũng như trực tiếp khẳng định rằng sai phạm về điểm thi chỉ xảy ra ở Hà Giang, theo TS Nhất, Bộ GD-ĐT (phối hợp với Bộ Công an) rà soát hết những học sinh trên toàn quốc có điểm cao. Chẳng hạn các học sinh có điểm Toán, tiếng Anh, Lý, Hoá, Sinh từ 7,5 trở lên. Chắc chắn, làm việc này cũng khá mất công nhưng ít ra cũng tạo thêm niềm tin trong xã hội, mà niềm tin là điều rất cần lúc này.
Ông Lê Thống Nhất cho rằng cần phải rà soát lại tất cả những thí sinh có điểm cao. Ảnh: I.T
Rõ ràng tôi phải chịu trách nhiệm
Xung quanh vụ tiêu cực trong chấm thi THPT ở Hà Giang, ông Trần Đức Quý – Phó Chủ tịch UBND Hà Giang thay mặt lãnh đạo tỉnh này đã có những phát ngôn đáng chú ý. Ông này khẳng định sẽ phối hợp với cơ quan điều tra để tìm ra sự thật và xử lý các cá nhân có sai phạm. Trong cuộc họp báo ngày 17., ông Quý đã nhận trách nhiệm về vụ việc: “Với tư cách là Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi THPT Quốc gia 2018 của tỉnh Hà Giang, rõ ràng tôi phải chịu trách nhiệm”.
Ông Trần Đức Quý – Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhận trách nhiệm về vụ việc tiêu cực trong chấm thi ở Hà Giang. Ảnh: I.T
Những bất thường ờ Hà Giang là việc vô cùng xấu xí
Trao đổi với báo chí, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) phát ngôn: “Tuyệt đại đa số địa bàn trên cả nước, kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc nhưng những điều bất thường như xảy ra ở Hà Giang là những việc vô cùng xấu xí, nên kiên quyết xử lý nghiêm túc tới cùng. Không thể để một “điểm đen” như vậy làm ảnh hưởng chung tới hàng triệu thí sinh, hàng triệu gia đình. Tất nhiên trong những năm tới, qua những bài học như thế này, Bộ GD-ĐT sẽ cùng với tất cả các địa phương sẽ rà soát, điều chỉnh để đảm bảo kỳ thi ngày càng nghiêm túc”.
Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) khẳng định tới thời điểm này chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Ảnh: I.T
Có thể bị phạt tù 1-20 năm
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó chủ nhiệm Hội Luật gia TP HCM: “Cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm sẽ bị xử lý buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù từ 1-20 năm”.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết, đối tượng cố ý chữa điểm trên bài thi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù từ 1-20 năm. Ảnh: I.T
Thủ tướng yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật
Ngày 17.7, Văn Phòng Chính phủ có văn bản số 6756/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về vấn đề này. Theo đó, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương Bộ GD-ĐT, Bộ Công an đã kịp thời, khẩn trương rà soát, xác minh kết quả thi bất thường của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang.
Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật. Bộ GD-ĐT phát huy ưu điểm của kỳ thi THPT Quốc gia những năm vừa qua, tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của kỳ thi THPT Quốc gia.
Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật. Ảnh: I.T
Theo Thùy Anh