Nghị định mới ban hành của Bộ Y tế ngày 30/1/2019 có nội dung về “mang thai hộ” với mục đích nhân đạo đang tạo ra nhiều sự chú ý
Cụ thể, Bộ Y tế vừa ban hành Nghị định số 02/VBHN-BYT ngày 30/01/2019 do Thứ trưởng Bộ Y tế ông Nguyễn Viết Tiến ký về “Quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ với mục đích nhân đạo”.
Trong đó, ngoài việc đề cập tới quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm dưới sự chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa thì Nghị định (chương V) có đề cập tới nội dung về điều kiện mang thai hộ của các cặp vợ chồng vô sinh vì mục đích nhân đạo.
Những ai sẽ được quyền?
Người nhận phôi phải thuộc một trong các trường hợp sau: Người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà nguyên nhân vô sinh là do cả người vợ và người chồng; Người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà vợ chồng đã thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm nhưng bị thất bại, trừ trường hợp mang thai hộ; Phụ nữ độc thân mà không có noãn, hoặc noãn không bảo đảm chất lượng để thụ thai.
Cơ sở nào được phép?
Cơ sở khám chữa bệnh phải có ít nhất 2 năm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm tối thiểu 1.000 ca/năm.
Ai sẽ là người mang thai hộ?
Người nhận mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng, tức là chị – em cùng cha mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, cùng cha khác mẹ, chị em con chú bác, con cô cậu. Người mang thai hộ cũng phải đảm bảo chưa từng mang thai hộ lần nào.
Quy định này cũng yêu cầu trước khi cho tặng tinh trùng, trứng, người cho được xét nghiệm để đảm bảo không mắc bệnh di truyền ảnh hưởng đến thế hệ sau, không nhiễm HIV, không bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.
Quyền lợi được bảo đảm như thế nào?
Theo quy định này, vợ chồng nhờ mang thai hộ, người mang thai hộ, trẻ sinh ra nhờ mang thai hộ được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ.
Việc cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi được thực hiện trên nguyên tắc vô danh giữa người cho và người nhận; tinh trùng, phôi của người cho phải được mã hóa để bảo đảm bí mật nhưng vẫn phải ghi rõ đặc điểm của người cho, đặc biệt là yếu tố chủng tộc.
Thủ tục gồm những gì?
Các cặp vợ chồng vô sinh gửi hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đến cơ sở y tế được phép thựa hiện kỹ thuật này bao gồm: Đơn đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ theo mẫu ban hành; Bản cam kết tự nguyên mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo mẫu có sẵn; Bản cam đoan người đồng ý mang thai hộ chưa mang thai hộ lần nào; Bản xác nhận chưa có con chung giữa 2 vợ chồng do cơ quan chức năng địa phương xác nhận.
Bên cạnh đó, các cặp vợ chồng phải có bản xác nhận của cơ sở y tế về tình trạng sức khoẻ của cả 2 vợ chồng và người nhận mang thai hộ cùng các xác nhận nội dung về tư vấn y tế, tâm lý, pháp luật cho các bên.
Sau đó trong vòng 30 ngày kể từ nộp hồ sơ, cơ sở được phép thực hiện kỹ thuật này phải có kế hoạch điều trị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ.
Theo Phạm Quý