logo
banner top
banner top

Vì sao trái cây nội rẻ bèo, dân vẫn xếp hàng đi mua quả ngoại?

Ngày đăng: 12/10/2018 8:22

Những ngày này, nông dân “thủ phủ” thanh long Bình Thuận lại điêu đứng khi giá thu mua ở vườn xuống mức chỉ còn 500 đồng/kg. Hình ảnh những đống thanh long đỏ tươi xếp ngập bên đường nhưng không có người mua, càng tô đậm thêm bức tranh “được mùa mất giá” của nông sản Việt. Thế nhưng, trái ngược với hình ảnh đó, trái cây ngoại đắt đến tiền triệu vẫn được người dân xếp hàng chờ mua.

Nhiều loại trái cây lạ, bắt mắt

Mới đây, trên thị trường xuất hiện nhiều loại trái cây lạ mắt có nguồn gốc từ Nhật Bản: nho tím, dưa hấu vuông, táo mật… được nhập về Việt Nam với giá dao động từ 300.000 – 500.000 đồng/kg. Những loại trái cây này có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, lạ mắt khiến cho nhiều người tò mò, thích thú.

Theo người kinh doanh online, những loại trái cây này mặc dù có giá cao nhưng nhiều người vẫn chọn mua vì nó là hàng “hiếm”.

ảnh 1

 Dưa hấu vuông Nhật Bản có giá bán 4,5 triệu đồng/quả.

Không chỉ có dưa hấu vuông, táo mật Nhật Bản cũng được rất nhiều người dân “săn đón”, nhưng vẫn luôn trong tình trạng hết hàng. Đắt gấp gần 3 lần so với các loại táo khác, táo mật Nhật Bản được nhiều người lựa chọn bởi có phần mật ngọt tập trung ở giữa lõi táo, mùi thơm nồng và đặc trưng.

banner

“Đây là táo nhập từ vùng Aomori – thánh địa của các giống táo ngon của Nhật Bản. Loại táo này còn được gọi là táo mật mặt trời, vì khi bổ ra, phần lõi chứa mật ngọt có hình dáng lạ mắt, khiến nhiều người liên tưởng đến hình vẽ mặt trời.

Giống táo này được trồng với nhiều kỹ thuật đặc biệt, nhất là trái táo sẽ được kiểm tra đạt hạm lượng đường đúng chuẩn 14-16 (tiêu chuẩn mật ngọt) mới đảm bảo bán ra thị trường”, chủ  kinh doanh hoa quả nhập khẩu online ở Hà Nội quảng cáo.

ảnh 2

Táo mật Nhật Bản được nhiều người săn lùng với giá dao động từ 700.000 – 800.000 đồng/kg. Mặc dù giá cao nhưng loại trái cây này luôn trong tình trạng khan hiếm.

Trước đó, dân mạng cũng đua nhau mua dứa Đài Loan, lựu Nam Phi, Peru, Ấn Độ mỗi trái có giá không dưới 300.000 đồng chỉ để “ăn cho biết”.

Trái lại, nông sản Việt liên tục rơi vào tình trạng chờ… giải cứu, hết chuối, cà chua, củ cải, dưa hấu… và giờ là thanh long. Ông Bùi Công Thành, giám đốc công ty xuất nhập khẩu trái cây Thành Công cho hay, các giống trái cây ngoại có thể hấp dẫn người tiêu dùng bởi lạ mắt. Tiếp đó là hình thức được bao bọc đẹp, bảo quản cẩn thận, trọng lượng đồng đều và có thể để được lâu.

“Khoan hãy quy kết người Việt mình có tâm lý sính ngoại khi không chọn mua trái cây trong nước. Bởi trước một giống trái cây mới lạ, người có điều kiện đều muốn dùng thử để biết nó như thế nào chứ không hẳn là họ ưa chuộng mặt hàng đó vì nó là… hàng ngoại” – ông Thành nói.

ảnh 3

Thanh long đầy vườn nhưng vẫn không có thương lái hỏi mua.

Còn với Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, có thể các sản phẩm nhập khẩu hấp dẫn người tiêu dùng Việt Nam ở hình dáng đẹp, bảo quản sang trọng, bắt mắt. Còn về phần chất lượng, chưa chắc “ai hơn ai”, vì các sản phẩm nhập khẩu bày bán trên thị trường ít khi được người bán trưng đầy đủ giấy tờ kiểm dịch hoặc các chứng nhận về đạt chuẩn chất lượng của sản phẩm.

Clip đề xuất - Duy Phương: Chẳng ai mong mình bị bệnh để xin tiền người khác

Vì sao nông sản Việt hay phải chờ “giải cứu”

Bình Thuận là địa phương cung cấp thanh long cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu lớn nhất cả nước với diện tích hơn 27.000 ha, cho sản lượng lớn hơn 600.000 tấn/năm. Cách đây 3 năm, thanh long từng bị dư thừa, không tiêu thụ được phải đổ bỏ, nhiều hộ trồng thanh long ở Bình Thuận phải chặt bỏ trái vì không có người thu mua. Và sau 3 năm bức tranh  “được mùa mất giá” lại tiếp tục tái diễn.

Theo bà Mai, đối với nông sản trong nước, sở dĩ có giá quá rẻ vì người dân thường trồng theo xu hướng, trồng một cách ồ ạt. Trong khi đó, cơ quan quản lý tại Việt Nam chưa xây dựng được kế hoạch đầu ra và đầu vào phù hợp để định hướng người dân theo quy luật thị trường hoặc phục vụ thị hiếu người tiêu dùng.

ảnh 4

Thanh long đổ đống trên vỉa hè với giá chỉ 20.000 đồng/4kg

“Để giúp người dân thoát khỏi tình trạng này, cơ quan quản lý cần giám sát và khảo sát nhu cầu thị trường; đưa ra kế hoạch định hướng cho người trồng sát với thực tế. Song song đó, các doanh nghiệp cần vào cuộc để phát triển công nghệ sau thu hoạch, đặc biệt khâu chế biến cần được đẩy mạnh để tạo đầu ra cho nông dân…” – TS Võ Mai đề xuất.

Các chuyên gia nông nghiệp cũng nhìn nhận, nguyên nhân chính khiến trái cây Việt thất thế trên sân nhà là do người tiêu dùng còn e ngại về chất lượng trái cây trong nước. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu còn hạn chế khiến trái cây Việt chưa đến được với người tiêu dùng. Ngoài ra, mẫu mã trái cây ngoại vượt trội hẳn so với trái cây Việt nên thường được lựa chọn nhiều vào những dịp lễ, Tết…

ảnh 5

Nhiều vụ mùa của thanh long đều phải kêu gọi giải cứu

Một thực trạng nữa là, không ít người tiêu dùng trong nước cảm thấy thất vọng khi doanh nghiệp làm ra những sản phẩm tốt, chất lượng cao thì đem xuất khẩu, còn hàng lỗi, hàng kém chất lượng thì đưa về thị trường nội địa; hàng ùn ứ bán không hết mới kêu gọi giải cứu. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào nông sản Việt.

Theo NGUYỄN THỦY

Theo An Ninh Thủ Đô

Tags: , ,