Live concert Quang Hà đã bị hàng loạt nhạc sĩ tác giả và đại diện hợp pháp của các tác giả lần lượt gửi đơn khiếu nại đến Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC).
Đơn khiếu nại của Bến Thành Audio Video.
Bến Thành Audio Video khiếu nại
Công ty Cổ phần Văn hóa Tổng hợp Bến Thành – Trung tâm Băng nhạc Bến Thành (Bến Thành Audio Video) hiện là chủ sở hữu đối với các tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Lam Phương, gửi đơn khiếu nại tới VCPMC cho biết: live concert Quang Hà “có sử dụng tác phẩm “Kiếp nghèo” của nhạc sĩ Lam Phương mà không xin phép và trả tiền tác quyền cho Bến Thành Audio Video hoặc thông qua VCPMC – là nơi Bến Thành Audio Video đã ủy quyền.
Cụ thể, live concert Quang Hà “Trăm năm không quên” diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM, do Công ty Cổ phần Truyền thông Thăng Long Show Việt Nam tổ chức. Đây là hành vi xâm phạm quyền tác giả, đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Bến Thành Audio Video, đồng thời cho thấy các công ty tổ chức biểu diễn đã thể hiện thái độ bất chấp, coi thường pháp luật. Do đó, Công ty Bến Thành đề nghị VCPMC thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, gửi kiến nghị đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu giải quyết và có biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả theo đúng quy định của luật pháp, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Bến Thành Audio Video”.
Nhiều tác giả khác cũng bị vi phạm tác quyền
Không chỉ dừng lại ở đơn khiếu nại của Bến Thành Audio Video, một loạt tác giả, đại diện hợp pháp của các tác giả cũng lên tiếng về việc bị vi phạm quyền tác giả âm nhạc trong live concert Quang Hà.
Trích một phần nội dung đơn kiến nghị của nhạc sĩ Quốc An.
Trong đơn khiếu nại của mình, nhạc sĩ Lưu Quốc An (Quốc An) cho biết: “Chương trình đã tự ý sử dụng tác phẩm “Định mệnh” do tôi sáng tác để biểu diễn mà không hề xin phép tôi, cũng không xin phép và trả tiền thông qua VCPMC. Đây là hành vi cố ý xâm phạm quyền tác giả, trong khi luật đã quy định rõ ràng về việc bảo hộ quyền tác giả. Hành vi này gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi, đồng thời cho thấy thái độ bất chấp, coi thường pháp luật của đơn vị tổ chức”.
Đơn kiến nghị của bà Trần Minh Lâm – vợ cố nhạc sĩ Y Vân.
Bà Trần Minh Lâm – vợ cố nhạc sĩ Y Vân (tên thật Trần Tuấn Hậu) cho biết: “Tác phẩm “60 năm cuộc đời” do cố tác giả Y Vân sáng tác, hiện đã ủy quyền cho VCPMC khai thác và quản lý. Tuy nhiên, live concert Quang Hà đã tự ý sử dụng tác phẩm mà không hề xin phép tôi cũng như không xin phép và trả tiền thông qua VCPMC”.
Đơn khiếu nại của bà Ngô Mai Hà.
Bà Ngô Mai Hà kiến nghị: “Tôi cũng xin kiến nghị đến các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép về biểu diễn, băng đĩa, tổ chức sự kiện… và các lĩnh vực khác, khi cấp phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật cho các tổ chức, cá nhân, nếu trong chương trình có sử dụng tác phẩm của tác giả Ngô Thụy Miên thì phải yêu cầu tổ chức hoặc cá nhân đó có văn bản chứng minh đã được tác giả hoặc đại diện tác giả cho phép sử dụng, hoặc phải có hợp đồng cấp phép sử dụng quyền tác giả của tổ chức đại diện tập thể mà tác giả có ủy quyền”.
Trao đổi với Dân Việt, ông Đinh Trung Cẩn – Tổng giám đốc VCPMC cho rằng: “Vi phạm bản quyền tác giả nếu không có sự thấu hiểu và chung sức, đồng lòng của các cơ quan chức năng trong việc tuân thủ luật pháp và những cam kết quốc tế, thì sẽ đẩy lùi quá trình hội nhập và phát triển của Việt Nam. Để thực thi một cách nghiêm túc Luật Sở hữu trí tuệ, cần một chế tài đủ mạnh.
Đơn khởi kiện của VCPMC đã được gửi tới Tòa án Nhân dân quận Hoàng Mai.
Là đại diện tập thể duy nhất tại Việt Nam và là thành viên của Hiệp hội các nhà soạn nhạc và soạn lời quốc tế (CISAC), chúng tôi kiên quyết bảo vệ quyền tác giả âm nhạc trong mọi tình huống và sẽ làm đến tận cùng. Với các cá nhân tổ chức đang vi phạm bản quyền mà VCPMC đã có công văn trực tiếp, trong đó có live concert Quang Hà, chúng tôi đã gửi đơn khởi kiện đến Tòa án Nhân dân Quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội để đòi lại công bằng sức sáng tạo của các tác giả thanh viên”.