logo
banner top
banner top

Chuyên gia nói gì về chuyện mì ăn liền gây nóng?

Ngày đăng: 11/01/2019 16:48

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, không có thực phẩm nào là thực phẩm gây nóng nếu chúng ta biết cách tạo ra một bữa ăn đa dạng. Theo đó, nói mì ăn liền gây nóng và nổi mụn là lời đồn thổi không chính xác.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Lê Bạch Mai, nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

* Thưa PGS-TS Lê Bạch Mai, người ta “rỉ tai” nhau rằng ăn mì ăn liền sẽ nóng và nổi mụn. Điều này có chính xác không, thưa bà?

– Thực ra không riêng mì ăn liền mà tôi còn nghe mọi người “rỉ tai” hay đổ tội cho nhiều loại thực phẩm khác là gây nóng. Tuy nhiên, đứng dưới góc độ dinh dưỡng thì không có thực phẩm nào là thực phẩm gây nóng, nếu chúng ta biết cách tạo ra một bữa ăn đa dạng, mì ăn liền cũng thế.

Chuyen gia noi gi ve chuyen mi an lien gay nong?
Không có thực phẩm nóng nếu chúng ta biết cách tạo ra một bữa ăn đa dạng

Xét về mặt bản chất, vắt mì ăn liền với nguyên liệu chính là bột lúa mì nên thuộc nhóm ngũ cốc cùng với gạo, bún, miến, bánh phở… cung cấp chất bột đường là chủ yếu. Mì ăn liền có vai trò cung cấp năng lượng (trung bình 350kcal cho 1 gói mì ăn liền 75g), trong đó năng lượng từ protein (chất đạm) là 28 Kcal, từ lipid (chất béo) 117 Kcal và từ carbohydrate (chất bột đường) 205 Kcal. Vì là một thực phẩm cơ bản nên mì ăn liền hoàn toàn có thể kết hợp cùng các loại thực phẩm khác (thịt, trứng, hải sản, rau xanh…) nhằm tạo nên bữa ăn hoàn chỉnh có đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng. Như vậy, sử dụng mì ăn liền trong một chế độ dinh dưỡng cân đối hợp lý thì khó có chuyện nóng hay nổi mụn xảy ra.

 * Vậy tại sao cơ thể chúng ta lại bị nóng và nổi mụn, thưa PGS-TS Bạch Mai?

– Trước hết, nói về vấn đề nóng, phần lớn là do cách ăn uống không hợp lý, dẫn đến rối loạn trong cơ thể, chứ không phải do bản thân một thực phẩm nào đó tạo nên.

 Theo đó, trong một chế độ ăn thiếu cân bằng, nếu chúng ta dung nạp vào cơ thể mình quá nhiều thực phẩm giàu đạm, nhiều chất bột đường hay chất béo thì dễ có cảm giác bị nóng trong người. Nguyên nhân không chỉ do bản thân các thực phẩm này chứa nhiều năng lượng mà còn do cơ thể phải sử dụng năng lượng để chuyển hóa các thức ăn này. Ngoài ra, lượng nước cần cho quá trình chuyển hóa các chất sinh năng lượng trong cơ thể bị thiếu hụt cũng gây ra tình trạng khát nước, nóng trong người. Vì thế, uống nhiều nước là rất cần thiết để cơ thể tránh bị rơi vào trạng thái nóng.

Thêm nữa, bất kỳ một loại thực phẩm riêng lẻ nào nếu sử dụng thường xuyên mà không kết hợp với các thực phẩm khác thì sẽ không đảm bảo tính đa dạng của bữa ăn, dễ dẫn đến thiếu hụt các chất dinh dưỡng làm cơ thể mệt mỏi, táo bón, thiếu nước gây cảm giác “nóng trong người” và nổi mụn. Đơn thuần như việc bạn chỉ ăn cơm trắng mỗi ngày, không kèm thực phẩm nào khác thì cũng không tránh khỏi cảm giác nóng, bực bội trong người.

Ngoài ra, liên quan tới vấn đề nóng, nổi mụn còn phải nói tới tính cá thể, nghĩa là tùy vào cơ địa, thể trạng của mỗi người. Khi đó bạn cần đi thăm khám bác sĩ để có những tư vấn và điều trị hợp lý nhất.

* Vậy để sử dụng mì ăn liền trong một chế độ dinh dưỡng cân đối và hợp lý, bà có những lời khuyên nào cho người sử dụng?

– Về bản chất mì ăn liền được xếp loại như một thực phẩm cơ bản trong bữa ăn, giống như cơm, bún, phở. Theo đó, mì ăn liền có thể dễ dàng kết hợp với các thực phẩm khác để tạo nên bữa ăn hoàn chỉnh, dinh dưỡng. Chỉ cần lưu ý những điểm sau là bạn và gia đình sẽ có những bữa ăn với mì ăn liền dinh dưỡng và đa dạng:

Chuyen gia noi gi ve chuyen mi an lien gay nong?
Mì ăn liền có thể dễ dàng kết hợp với các thực phẩm khác để tạo nên bữa ăn hoàn chỉnh, dinh dưỡng

Thứ nhất: Chúng ta nên thưởng thức mì gói kèm với các loại rau củ như cải xanh, giá đỗ, cải cúc, rau má, rau muống, cà rốt, cà chua… Ngoài các vitamin và khoáng chất thì sự hiện diện của chất xơ trong rau củ làm tinh bột được hấp thu chậm hơn, tăng lượng phân đào thải giúp tránh táo bón, không gây nóng trong người. Theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt nam (Bộ Y tế phê duyệt năm 2016) thì mỗi 1.000Kcal ăn vào cần 14g chất xơ.

Thứ hai: Có thể thưởng thức mì gói kèm thực phẩm giàu đạm: nên bổ sung thêm vào mỗi bát mì khoảng 3-4 lát thịt bò, thịt lợn hoặc 2-3 con tôm để bữa ăn từ mì gói được cân đối hơn về năng lượng đến từ chất đạm, đặc biệt là cân đối giữa đạm động vật và thực vật.

Tuy nhiên, trong trường hợp bếp nhà bạn không dự trữ đủ các loại thực phẩm để có bữa ăn đa dạng từ mì ăn liền thì bạn vẫn có thể sử dụng mì ăn liền đơn thuần. Nhưng các bữa ăn sau, bạn nên nhớ đa dạng các loại thực phẩm để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý.

Ngoài ra, như tôi quan sát hiện nay, một số sản phẩm mì gói đã được nhà sản xuất bổ sung thêm rau củ, thịt, rong biển… nhằm đa dạng thực phẩm, tăng giá trị dinh dưỡng và giúp người tiêu dùng thay đổi khẩu vị của bữa ăn mì gói. Người tiêu dùng có thể tìm hiểu để có thêm nhiều lựa chọn cho bản thân và gia đình.

Xin cảm ơn PGS-TS Lê Bạch Mai.

Theo Minh Huệ (thực hiện)

Theo Phụ Nữ Tp.HCM

Tags: , ,