Mặc dù báo lãi 9 tháng sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, song dường như “ánh sáng” đã trở lại với Vinasun khi mà nguồn thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi (kinh doanh taxi) đã tăng mạnh và giảm bớt phụ thuộc vào thu nhập từ thanh lý xe.
Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun – mã VNS) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2018 cho thấy, kết quả kinh doanh trong kỳ mặc dù chưa cải thiện nhưng hoạt động kinh doanh cốt lõi lại cho thấy sự phục hồi đáng kể.
Cụ thể, trong quý III năm nay, Vinasun đạt 537,7 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ so với kết quả đạt được trong cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận sụt giảm mạnh song điểm sáng trong bức tranh kinh doanh của Vinasun đó là sự dịch chuyển trong cơ cấu nguồn thu
Tuy nhiên, với việc tiết giảm đáng kể chi phí tài chính (cũng là chi phí lãi vay), chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp được kiểm soát nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinasun tăng mạnh 39% so với cùng kỳ, lên 22,19 tỷ đồng.
Nhìn vào số liệu chung thấy rằng, bức tranh chung của Vinasun vẫn rất khó khăn khi mà lợi nhuận trước thuế sụt giảm 33% so với cùng kỳ còn 39,09 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế và lãi ròng của công ty mẹ giảm tương ứng còn 31,28 tỷ đồng và 30,83 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần của Vinasun vẫn giảm 36% so cùng kỳ, chỉ đạt 1.556,82 tỷ đồng; lãi trước thuế giảm 63% còn 69,63 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm 62% còn 55,7 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu là do khoản thu nhập khác của Vinasun bị sụt giảm mạnh. Trong quý III, thu nhập khác của công ty giảm tới 61% so với cùng kỳ, còn 17 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, con số này cũng chỉ còn chưa tới 70 tỷ đồng, giảm mạnh so với 118,47 tỷ đồng của cùng kỳ.
Song đây dường như lại mang đến tín hiệu tích cực trong bức tranh tài chính của công ty này. Theo đó, chỉ tiêu này của Vinasun chủ yếu đến từ hai nguồn chính là kinh doanh taxi và thanh lý xe cũ.
Trong 9 tháng đầu năm, Vinasun có hơn 31 tỷ đồng thu nhập từ quảng cáo trên taxi, tăng 17,87% so với cùng kỳ trong khi thu từ thanh lý tài sản cố định lại giảm tới 60,4% còn 35,6 tỷ đồng.
Với nguồn thu tăng mạnh từ mảng kinh doanh cốt lõi cho thấy, Vinasun đang dần thoát cảnh “bán xe ăn dần”.
(Nguồn: BCTC Vinasun)
Sự hồi phục trong kinh doanh taxi của Vinasun diễn ra trong bối cảnh Uber, một trong những hãng dịch vụ taxi công nghệ mà Vinasun xác định là đối thủ, đã dừng hoạt động tại Việt Nam vào đầu tháng 4.
Ngoài ra, vụ kiện của Vinsun đối với Grab cũng đang được xét xử. Đến chiều nay (23/4), Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng cho công ty này.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VNS của Vinasun vẫn tiếp tục giảm giá phiên thứ hai do diễn biến bất lợi của thị trường chung, mất 900 đồng tương ứng gần 5% còn 17.300 đồng/cổ phiếu. Tuy vậy, trong vòng 3 tháng qua, mã này vẫn đạt được mức tăng 14,57%.
Theo Mai Chi