Rau, củ, quả có màu tím có thể bảo vệ da khỏi bị tổn thương do ánh nắng mặt trời và ngăn ngừa bệnh tim mạch và bệnh thần kinh.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, rau, củ, quả có màu tím chứa chất chống oxy hóa anthocyanin, có thể tương tác với các gốc tự do và ngăn chặn chúng gây tổn thương cho các phân tử quan trọng của cơ thể. Chúng bảo vệ các tế bào, chữa lành vết thương, giảm viêm, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, mắc một số loại ung thư, bảo vệ da khỏi bị tổn thương do ánh nắng mặt trời và ngăn ngừa bệnh tim mạch và bệnh thần kinh.
Các loại rau màu tím như súp lơ, bông cải, cải bắp và cải xoăn chứa các indole, là chất dinh dưỡng có nguồn gốc từ hợp chất lưu huỳnh có thể làm chậm quá trình trao đổi chất của các chất gây ung thư. Chất gây ung thư làm tăng nguy cơ phát triển ung thư. Tiêu thụ các loại rau này làm giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư cổ tử cung, đại trực tràng và nội mạc tử cung.
Rau củ màu tím được cho là có lợi hơn so với các loại rau củ cùng loại màu xanh. Ví dụ, cải bắp tím được biết là có 36 loại chất chống oxy hóa khác nhau và nhiều vitamin C gấp 6 đến 8 lần so với bắp cải xanh.
Cà rốt màu tím cũng chứa gấp đôi lượng alpha và beta-carotene so với cà rốt cam giúp cải thiện khả năng miễn dịch và tốt cho sức khỏe của mắt.
Ngoài anthocyanin và indoles, các loại thực phẩm màu tím này còn chứa axit ellagic, vitamin A, vitamin B2, vitamin C, kali, chất xơ và các phenol khác.
Những thực phẩm màu tím này cũng có nhiều lợi ích đáng chú ý khác cho sức khỏe:
1. Chống loét dạ dày
Một nghiên cứu cho thấy anthocyanin có trong các loại thực phẩm màu tím giúp giảm sự hình thành các vết loét dạ dày. Các nhà nghiên cứu tin rằng chúng ngăn ngừa quá trình oxy hóa và tăng cường hoạt động của các chất chống oxy hóa quan trọng khác như glutathione vốn có trong cơ thể bạn.
2.Phòng ngừa bệnh tiết niệu
Súp lơ tím, cà rốt tím và bắp cải tím hoặc các loại trái cây có màu tím khác có thể chống lại các bệnh tiết niệu. Anthocyanin có thể ngăn ngừa các vết loét và viêm do H. pylori gây ra, loại vi khuẩn này gây loét dạ dày và các bệnh tiết niệu (u lympho bàng quang).
3. Tốt cho sức khỏe tim
Các loại thực phẩm có màu tím tốt cho tim vì chúng có khả năng làm giảm 13% cholesterol xấu đồng thời tăng cholesterol tốt. Cholesterol xấu tăng dẫn đến sự hình thành mảng bám trên thành động mạch, từ đó cản trở lưu thông máu đến tim và toàn bộ cơ thể, do vậy làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
4. Tiêu diệt tế bào ung thư
Nho tím, quả việt quất dại, quả nam việt quất và quả việt quất chứa resveratrol, một loại flavonoid có thể giúp giảm huyết áp. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng resveratrol có thể gây chết tế bào ung thư trong ung thư máu, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư da, ung thư gan và ung thư phổi. Khoai lang tím có khả năng bảo vệ mạnh mẽ chống ung thư đại tràng.
Resveratrol còn giúp thư giãn các thành động mạch giúp lưu thông máu tốt hơn và giảm áp lực trong các động mạch.
5. Có đặc tính chống viêm
Anthocyanin giúp giảm viêm mạn tính, một trong những nguyên nhân cơ bản của nhiều bệnh như bệnh Alzheimer, bệnh tim, hen, dị ứng, viêm khớp và bệnh khớp, béo phì và bệnh tiểu đường týp 2.
6. Tốt cho não bộ
Theo một nghiên cứu được công bố trên Archives of Pharmacal Research, khoai lang tím có tác dụng tăng cường trí nhớ. Các anthocyanin giúp ngăn ngừa sự suy giảm hệ thống thần kinh liên quan đến tuổi đồng thời tăng cường khả năng học tập và ghi nhớ.
Sử dụng các loại quả và rau củ màu tím như thế nào để có hiệu quả nhất?
Một trong những phương pháp tốt nhất để tiêu thụ chúng là ăn sống, hấp hoặc nướng. Bằng cách đó, bạn sẽ nhận được một lượng lớn anthocyanin vì chúng hòa tan trong nước. Bổ sung các loại thực phẩm này vào bữa sáng, bữa trưa, món salad và món tráng miệng của bạn.
Các loại quả màu tím: nho tím, quả sung, chanh dây, nho khô, mận và mận khô, mâm xôi, quả việt quất, quả cây cơm cháy, nam việt quất, việt quất rừng, quả anh đào dại
Các loại rau củ màu tím: cà rốt tím, cải bắp tím, măng tây tím, khoai lang tím, ô liu tím, ớt tím, cà tím, súp lơ tím, hành tím, bông cải tím, Atisô tím, củ cải tím
Các loại ngũ cốc tím: ngô tím, gạo tím, lúa mì tím
Theo Nguyễn Hà (Boldsky)