Hệ thống miễn dịch yếu có thể mở đường cho vi khuẩn và virus có hại xâm nhập và gây bệnh trong cơ thể.
Người có hệ miễn dịch kém thường dễ bị ốm và dễ bị nhiễm bệnh hơn so với những người khỏe mạnh khác.
Những lý do khiến khả năng miễn dịch bị tổn hại có thể là do căng thẳng, hút thuốc, rượu bia, chế độ ăn uống kém, nhiễm trùng, điều trị ung thư, HIV/AIDS.
Tiến sĩ Anjali Kumar, Chuyên gia tư vấn cấp cao, bác sĩ sản phụ khoa, cho biết: “Khả năng miễn dịch mạnh mẽ là điều kiện tiên quyết để có một thể chất và tinh thần khỏe mạnh. Tuy nhiên, lối sống bận rộn và hối hả ngày nay thường dẫn đến sức khỏe bị giảm sút và khả năng miễn dịch suy yếu”.
Dấu hiệu cảnh báo
Tiến sĩ Shuchin Bajaj, Giám đốc sáng lập Tập đoàn Bệnh viện Ujala Cygnus, đã chỉ ra những dấu hiệu cảnh báo khả năng miễn dịch suy yếu, bao gồm:
– Dễ bị cảm lạnh: Thường xuyên bị cảm lạnh là dấu hiệu của hệ miễn dịch kém vì điều đó có nghĩa là cơ thể bạn không thể chống lại các bệnh nhiễm trùng theo mùa.
– Thường xuyên bị tiêu chảy, đầy hơi hoặc táo bón: Các vấn đề về tiêu hóa cũng cho thấy hệ thống miễn dịch của bạn không hoạt động như bình thường.
– Vết thương chậm lành: Nếu cơ chế chữa lành tự nhiên của cơ thể không đạt hiệu quả thì đó cũng là một trong những dấu hiệu cảnh báo khả năng miễn dịch bị suy yếu.
– Bị nhiễm trùng thường xuyên: Nếu hệ thống miễn dịch không có khả năng chống lại vi khuẩn, virus và các tác nhân độc hại bên ngoài, cơ thể có thể phải đối mặt với nhiễm trùng thường xuyên.
– Luôn cảm thấy mệt mỏi: Bạn luôn cảm thấy kiệt sức có thể là do khả năng miễn dịch kém.
Chuyên gia khuyên cần có lối sống lành mạnh để giữ cho hệ thống miễn dịch luôn khỏe mạnh tự nhiên. (Ảnh minh họa)
Biện pháp tăng cường sức khỏe
Các chuyên gia khuyến nghị bạn nên thực hiện những điều sau đây:
– Có lối sống lành mạnh để giữ cho hệ thống miễn dịch luôn khỏe mạnh một cách tự nhiên.
– Hãy quan tâm đến cách ăn uống; cố gắng có một chế độ ăn uống cân bằng. Chế độ ăn uống cân bằng và phong phú phải bao gồm tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết, như vitamin A, vitamin C, vitamin B và các chất dinh dưỡng vi lượng, đa lượng khác.
– Ngủ đủ 8 tiếng, vì khi chúng ta ngủ, cơ thể sẽ phục hồi năng lượng và sửa chữa các tế bào bị tổn thương.
– Tập thể dục thường xuyên vì nó không chỉ tăng cường miễn dịch và giúp duy trì cân nặng hợp lý, mà còn tạo ra các hormone hạnh phúc trong cơ thể, giúp nâng cao tâm trạng và hỗ trợ chống lại căng thẳng.
– Thường xuyên rửa tay. Vi trùng xâm nhập vào cơ thể hầu hết từ bàn tay không sạch sẽ.
– Thực hành chánh niệm và lòng biết ơn để giảm thiểu căng thẳng.
– Nói không với hút thuốc lá vì nó làm tổn hại đến sự cân bằng của hệ thống miễn dịch. Điều này làm tăng nguy cơ mắc một số rối loạn miễn dịch và tự miễn dịch.
Lương Trâm/HindustanTimes