Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế Hương Giang muốn dùng danh hiệu hoa hậu để bảo vệ người chuyển giới, xóa bỏ kỳ thị.
Mới đây Hương Giang khởi động chiến dịch thu thập chữ ký để gửi thư ngỏ tới Bộ Y tế và Quốc hội. Cộng đồng người chuyển giới mong muốn Bộ Y tế sớm trình dự thảo luật chuyển đổi giới tính lên Chính phủ và Quốc hội, sớm thông qua luật vào năm 2019. Khi ấy người chuyển giới Việt Nam được sống và làm việc theo pháp luật. Đây là khung pháp lý bảo vệ quyền được sống, được hạnh phúc của người chuyển giới.
Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2018 Hương Giang. Ảnh: Hoàn Như.
Hương Giang cho biết đây là dự án tâm huyết số một của cô. “Tôi muốn dùng danh hiệu hoa hậu để bảo vệ người chuyển giới. Tôi dùng vương miện để cộng đồng có cái nhìn cởi mở, bớt kỳ thị về người chuyển giới”, Hương Giang nói.
“Tôi muốn mọi người cho người chuyển giới một cơ hội để được làm việc như người bình thường. Cho người chuyển giới Việt Nam một cơ hội (một cách bình đẳng) để có công việc và cuộc sống tốt hơn”, Hoa hậu nói thêm.
Dự thảo luật chuyển đổi giới tính dự kiến được trình Quốc hội trong năm nay xem xét để đưa vào chương trình làm việc vốn đã bị lùi lại vì nhiều lý do.
Dự thảo gồm 5 chương 25 điều, đưa ra các điều kiện để được công nhận đã chuyển đổi giới tính. Theo đó, người chuyển giới được công nhận là chuyển đổi giới sau khi kiểm tra tâm lý, đã sử dụng hormone trong một thời gian liên tục (khoảng 2 năm trở lên). Một phương án khác là họ cần được kiểm tra tâm lý, sử dụng hormone trong một thời gian liên tục (khoảng một năm) hoặc đã phẫu thuật một phần (thay đổi ngực hoặc bộ phận sinh dục). Phương án còn lại chỉ cần được kiểm tra tâm lý, không có can thiệp về y tế (sử dụng hormone hay phẫu thuật).
Bà Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng bày tỏ băn khoăn về yêu cầu phải phẫu thuật chuyển đổi giới tính hoặc điều trị hormone mới được công nhận là người chuyển giới. Điều kiện này chưa đảm bảo quyền lợi cho một bộ phận người chuyển giới. Theo một số người trong cộng đồng, quy định này gây khó khăn cho người không muốn hoặc không có điều kiện điều trị hormone, phẫu thuật tốn kém, một số không chịu được tác dụng phụ của điều trị.
Hà Thanh, một người chuyển giới nam cho rằng can thiệp y tế là điều trị hormone hay phẫu thuật chuyển đổi giới tính chỉ là một sự lựa chọn. Vì thế không nhất phải quy định là yêu cầu bắt buộc để được công nhận chuyển đổi giới tính. Bản thân Hà Thanh cũng không muốn phẫu thuật chuyển đối giới.
“Bao năm qua tôi chỉ giao dịch ở duy nhất một chi nhánh ngân hàng. Lý do là ở đó dù giấy tờ tùy thân của tôi ghi giới tính nữ nhưng nhân viên đều gọi tôi bằng đại từ ‘anh’”, Hà Thanh nói. Vì thế, Thanh mong muốn luật chuyển đổi giới tính sớm được Quốc hội thông qua.
Theo bà Đinh Thị Thu Thủy, chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, người chuyển giới tại Việt Nam đang gặp nhiều thách thức. Họ bị kỳ thị, phân biệt đối xử ngay trong gia đình, đặc biệt khó tìm được việc làm. Họ cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe. Nhiều người không dám đến cơ sở y tế chữa bệnh vì sợ ánh mắt kỳ thị của cán bộ y tế. Nhiều người chuyển giới đang sử dụng hormone là hàng xách tay, tự mua trên thị trường tự tiêm cho nhau nên rủi ro rất lớn. Nhiều người đã bị biến chứng, thậm chí tử vong.
Nhiều người sau khi chuyển giới bị khủng hoảng, bị cô lập. Có người bị trầm cảm do không được trang bị về tâm lý trước khi phẫu thuật. Vì thế, việc ban hành luật chuyển đổi giới tính là rất cần thiết.
Nghiên cứu cho thấy người chuyển giới chiếm 0,3-0,5% dân số Việt Nam. Ước tính nước ta có khoảng từ 290.000 đến 480.000 người chuyển giới.
Theo Phương Trang