Phạm Hy Hiếu (SN 1992, ở TP HCM) từng giành huy chương bạc Olympic quốc tế môn Toán năm 2009. Với khát khao làm những điều chưa ai làm được, sau khi tốt nghiệp một ĐH danh tiếng của Mỹ, Hiếu được “các ông lớn”: Apple, Facebook, Microsoft và Google lần lượt mời về làm việc.
Phạm Hy Hiếu hiện đang làm việc cho “gã khổng lồ” Google và tiếp tục theo học chương trình tiến sĩ của ĐH Carnegie Mellon (CMU) Ảnh: NVCC
Mong muốn làm những điều chưa ai làm được
Tấm huy chương bạc Olympic quốc tế môn Toán năm 2009 đem lại học bổng toàn phần tại ĐH Quốc gia Singapore cho Phạm Hy Hiếu. Thế nhưng, Hiếu từ chối để luyện thi TOEFL và SAT xin học bổng tại Mỹ. Năm 2011, Hiếu được 5 trường đại học nổi tiếng ở Mỹ thông báo nhập học. Cuối cùng cậu quyết định chọn ngành khoa học máy tính của ĐH Stanford với học bổng toàn phần cho cả 4 năm học tại đây.
Phạm Hy Hiếu chỉ cảm thấy vui khi giải các bài toán lập trình. Học ĐH Stanford, Hiếu tham gia cuộc thi lập trình quốc tế dành cho sinh viên (ACM ICPC). Tại cuộc thi này cậu chỉ giành được bằng khen chứ không có huy chương. Qua cuộc thi, Hiếu nhận ra một chân lý và mục tiêu theo đuổi của mình. Đó là các vấn đề đặt ra trong những cuộc thi tuy rất khó nhưng vẫn chỉ là các câu đố đã có lời giải. “Giải được những câu đố đó, bạn cảm thấy vui. Nhưng thật ra, bạn chỉ làm cho bản thân mình vui chứ chưa đóng góp được gì cho nhân loại. Muốn cống hiến, bạn phải làm những điều chưa ai làm được. Và điều mới mẻ mình muốn thử sức là tạo ra trí thông minh nhân tạo”, Hiếu nói.
Sau đó Hiếu bắt đầu tham gia các nghiên cứu nhằm giúp máy tính hiểu được ngôn ngữ của con người. Hiếu đặc biệt thích thú với các thuật toán học sâu. Công nghệ này sử dụng mạng nơ-rôn nhân tạo được lập trình để mô phỏng các hoạt động của hệ thần kinh con người, qua đó giúp cho máy tính có thể thực hiện những tư duy trừu tượng. Sau một năm nghiên cứu, Hiếu cùng đồng nghiệp công bố 3 bài báo khoa học tại hai hội nghị hàng đầu của trí tuệ nhân tạo. Hai bài báo đầu tiên đề cập đến việc khám phá ra công nghệ giúp cho một trí tuệ nhân tạo nếu đã hiểu tiếng Anh thì cũng sẽ hiểu được tiếng Đức; còn trong bài báo thứ ba là việc công bố một thuật toán dịch từ tiếng Anh ra tiếng Đức tốt hơn tất cả các thuật toán trước đó.
Hiếu cho biết, đối với máy tính, tiếng Anh là một ngôn ngữ dễ học, bởi có rất nhiều người nói tiếng Anh, qua đó tạo ra các dữ liệu để máy học. Tiếng Pháp tương đối giống tiếng Anh nên việc học vẫn chưa quá khó, trong khi đó tiếng Đức và tiếng Anh có rất nhiều khác biệt nên việc chuyển những hiểu biết của máy tính từ tiếng Anh sang tiếng Đức là rất khó. “Trong tương lai khi các nghiên cứu này phát triển hơn, chúng ta thậm chí có thể giúp máy tính hiểu được tiếng Việt”, Hiếu nói.
Các nghiên cứu trên đã giúp Hiếu giành giải thưởng Luận văn Khoa học máy tính xuất sắc nhất khoá 2015 của Đại học Stanford và tốt nghiệp với tấm bằng danh dự.
Phạm Hy Hiếu tại Google Mỹ
Đầu quân cho “gã khổng lồ” Google
Tốt nghiệp Đại học Stanford, Hiếu nhận được lời mời làm việc của “các ông lớn”: Apple, Facebook, Microsoft và Google. Các công ty này mời Hiếu về làm việc đều đưa ra mức lương “sáu con số”, đặc biệt Apple còn cho phép Hiếu được mua các sản phẩm của công ty với giá 25% ưu đãi suốt đời, nhưng cậu đã lần lượt từ chối tất cả.
Hiếu cho biết cậu từ chối chỉ là vì nó chưa đúng với ước mơ và khát khao cống hiến của cậu. “Ở Apple, Facebook hay Microsoft nghiên cứu nhiều công nghệ tiên tiến giúp máy tính hiểu được ngôn ngữ của con người, tuy nhiên các nhân viên của họ đều phải ký một giao ước rằng không bao giờ được công bố các phát minh của mình ra bên ngoài công ty. Tôi muốn những nghiên cứu của mình đến được với cả thế giới, muốn mọi người có thể trực tiếp sử dụng và phát triển các nghiên cứu đó xa hơn, rộng hơn”, Hiếu chia sẻ.
Còn với “gã khổng lồ” Google, từ năm 3 đại học, Hiếu được Google mời thực tập lần đầu tiên nhưng anh từ chối. Sau khi Hiếu tốt nghiệp, Google tiếp tục ngỏ lời mời làm việc chính thức nhưng cậu vẫn từ chối. Hiếu từ chối là bởi Google đối xử thiếu tôn trọng với các ứng viên của họ. Mỗi lần từ chối Google, Hiếu lại gửi một tâm thư cho công ty, chỉ ra các điểm anh cho là vô lý trong chính sách tuyển dụng của họ. Mãi đến tháng 3/2016, ở lần thứ 3 ngỏ lời, sau khi biết Google đã thay đổi chính sách, Hiếu mới đồng ý làm việc tại Google Brain – nhóm nghiên cứu chuyên phát triển các thuật toán trí tuệ nhân tạo trên dữ liệu lớn.
“Ngôn ngữ là một điều kỳ diệu. Nó cho phép chúng ta biểu đạt những tư duy phức tạp bên trong não bộ của mình một cách phổ quát, ai ai cũng hiểu được. Mình đang tập trung giải quyết một trong những thử thách lớn nhất của trí tuệ nhân tạo là làm cho máy tính hiểu được ngôn ngữ của con người và giao tiếp trở lại”, Hiếu chia sẻ.
Hiện Phạm Hy Hiếu đang theo học chương trình tiến sĩ của ĐH Carnegie Mellon (CMU) với học bổng toàn phần. Đây là một trong 4 trường đào tạo về khoa học máy tính hàng đầu của Mỹ cũng như thế giới (ĐH Stanford, ĐH UC Berkeley và Học viện Công nghệ Massachusetts – MIT).
(còn nữa)
Ở danh sách bình chọn 30 Under 30 năm 2018, Forbes đặc biệt chú ý tới Phạm Hy Hiếu, gương mặt bước đầu hứa hẹn triển vọng tiến xa hơn trong những lĩnh vực anh đang làm. Theo Forbes, từ năm 2015 – 2017, Hiếu công bố 6 báo cáo khoa học trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, máy học với 630 lần được trích dẫn.
Theo LỘC HÀ