Các bộ trang phục có thật là đang “lấy cảm hứng” từ các bộ phim cung đấu đình đám “Diên Hi công lược” và “Như Ý truyện” hay chỉ đơn giản là “bê từ phim ra ngoài đời”?
Những ngày gần đây, bộ ảnh “trang phục cung đình” của “nàng thơ xứ Huế” Ngọc Trân đang gây được sự chú ý từ cư dân mạng. Càng nhiều người biết đến, bộ ảnh càng gây ra sự tranh cãi lớn. Một bên ủng hộ những nỗ lực của Ngọc Trân trong việc mang văn hóa truyền thống đến với đại chúng. Một bên phản đối cách làm “kết hợp” và “lấy cảm hứng” của Ngọc Trân.
Nói về bộ ảnh cung đình lần này, Ngọc Trân cho biết: “Lấy cảm hứng từ bộ phim Diên Hi Công Lược và Hậu Cung Như Ý Truyện đang được trình chiếu, Trân nhận thấy rằng trang phục của họ cũng có nhiều nét tương đồng với áo dài xưa và các hoạ tiết hoa văn Cung đình Huế. Trân nghĩ rằng, trang phục Cung đình Huế cũng không thua kém gì trang phục của các phi tần trong phim cho nên Trân lập tức lên ý tưởng và tìm hiểu qua sách báo để thu thập những tài liệu về các hoa văn Cung đình để lấy ý tưởng và thực hiện bộ sưu tập áo dài đặc biệt này.”
Công bằng mà nói, các bộ trang phục Ngọc Trân thể hiện lần này đều rất đẹp. Hoa văn, họa tiết được thêu tinh xảo, tỉ mỉ. Màu sắc thể hiện hài hòa, chất liệu cũng rất tốt tạo cảm giác mãn nhãn cho người xem và đặc biệt mang lại cảm giác văn hóa Á Đông.
Tuy nhiên, cái chất “cung đình Huế” thì khán giả tìm mãi không thấy đâu như lời Ngọc Trân và ekip nói. Rõ ràng, với việc “lấy cảm hứng” và việc có “tìm hiểu qua sách báo để thu thập những tài liệu về các hoa văn Cung đình” thì chất “cung đình Huế” phải được thể hiện rất rõ ràng. Thực tế lại chứng minh điều ngược lại.
Bộ trang phục của Ngọc Trân giống trang phục của Cao Quý phi Cao Ninh Hinh (Diên Hi công lược) đến 90% từ màu sắc, kiểu dáng, họa tiết. Đặc biệt có một chi tiết cần lưu ý đó là phụ nữ trong cung đình Huế thời xưa không hề mặc áo xẻ tà dưới. Nếu chỉ là “lấy cảm hứng” thì cũng không nên làm sai đến như vậy
Bộ trang phục này của Ngọc Trân sẽ rất phù hợp với bộ phim “Như Ý truyện”. Nhưng còn phù hợp với cung đình Huế không thì lại là một câu chuyện khác. Một người đọc nhận xét: “Tưởng Huế không có mùa đông, mặc áo lông như thế này chắc nóng phải biết”.
Một số trang phục khác cũng bị ném đá dữ dội vì “copy” nhiều hơn là “lấy cảm hứng”:
Trong khi đó, tư liệu về phục trang của triều Nguyễn nói riêng và phục trang cổ của người Việt nói chung hiện đã được nghiên cứu khá nhiều và hoàn toàn dễ dàng tìm kiếm, áp dụng.
Nam Phương hoàng hậu trong trang phục chính gốc cung đình
Trước đó, Ngọc Trân và ekip cũng đã gây ra tranh cãi không nhỏ khi thực hiện bộ ảnh kết hợp giữa áo dài truyền thống của Việt Na, kiểu búi tóc truyền thống của Hàn Quốc và clip quảng bá thực hiện có hơi hướng của Lý Tử Thất (vlogger chuyên về ẩm thực) của Trung Quốc.
Hình ảnh trước đó đã gây tranh cãi không nhỏ trong việc “kết hợp” hai nét truyền thống của hai đất nước vào trong cùng một bộ ảnh
Rõ ràng, việc lấy cảm hứng hay kết hợp không có gì là xấu. Tuy nhiên cần được thể hiện khéo léo vì ranh giới giữa việc “lấy cảm hứng” và “copy – paste” rất mong manh. Câu chữ “lấy cảm hứng” không thể được áp dụng một cách bừa bãi, nhất là đối với những vấn đề đòi hỏi tính chính xác cao như văn hóa dân tộc.
Theo Daisy