logo
banner top
banner top

Trách nhiệm chậm thu phí tự động không dừng: Lỗi trước hết do Bộ GTVT

Ngày đăng: 14/02/2019 11:48

Các chuyên gia cho rằng, hiện công nghệ thu phí đường bộ tự động không dừng (ETC) đã được nhiều nước áp dụng, Việt Nam không cần sáng tạo, chỉ cần bê nguyên về làm. Thủ tướng đã chỉ đạo, nhưng việc triển khai thu phí tự động vẫn chậm, trong khi người dân bức xúc với các trạm thu phí thủ công nhiều mập mờ. Lỗi chậm triển khai ETC được cho là trước hết thuộc Bộ GTVT.

Trạm thu phí Pháp Vân Cầu Giẽ. Ảnh: Như Ý

Cần xử lý trách nhiệm đơn vị triển khai chậm
Trao đổi với PV Tiền Phong về việc chậm triển khai thu phí tự động không dừng, PGS.TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật Giao thông (ĐH Bách khoa TPHCM) cho rằng, các nước đều thu phí tự động toàn bộ. Điều này giúp hoạt động thu phí minh bạch, dễ kiểm soát, phòng chống tình trạng giấu doanh thu để chia chác như thu phí thủ công. “Hiện công nghệ thu phí tự động các nước đã áp dụng nhiều năm, chúng ta chỉ cần làm theo. Triển khai thu phí tự động vừa qua vẫn chậm lỗi trước hết là của Bộ GTVT, trực tiếp là Tổng cục Đường bộ. Cứ lấp lửng các trạm thu phí sẽ còn “cướp” trắng trợn tiền nhà nước, nhân dân”, ông Mai nói.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Hùng (nguyên Phó Cục trưởng Cục Đường bộ) cho rằng, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ, chỉ đạo quyết liệt, nhưng triển khai thu phí tự động vẫn chậm. Bộ GTVT chưa làm hết trách nhiệm được giao. Chính phủ cũng nên có biện pháp xử lý khi cấp dưới triển khai công việc chậm. Khi các chủ đầu tư BOT còn chần chừ, thích thu phí thủ công hơn tự động, Bộ GTVT phải quyết liệt. Cùng đó, không nên tạo độc quyền cung cấp dịch vụ thu phí, chỉ cần đưa ra bộ quy chuẩn kỹ thuật về thu phí tự động, các đơn vị có năng lực đều có thể tham gia, thay vì chỉ 1 nhà cung cấp như hiện nay (chỉ có Cty VETC).
“Một đơn vị cung cấp dịch vụ cũng ẩn chứa điều gì đó chưa minh bạch như chính việc thu phí thủ công. Nếu có nhiều đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ thu phí tự động, cạnh tranh sẽ minh bạch hơn”, ông Hùng nói. Về phía chủ phương tiện, theo ông Hùng, cũng chưa tích cực sử dụng dịch vụ thu phí tự động, nói vẫn nói, nhưng nhiều người lại thích trả tiền mặt hơn. Lỗi từ rất nhiều bên.
Muốn đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí tự động, các chuyên gia đề xuất, Bộ GTVT chỉ cần yêu cầu trạm thu phí nào khánh thành, muốn hoạt động phải thu phí tự động; trạm thu phí nào đang hoạt động sẽ có thời gian để triển khai ETC, sau đó không thực hiện sẽ phải dừng thu phí. “Chỉ cần quy định vậy sẽ chẳng nhà đầu tư nào dám trốn tránh. Vấn đề bây giờ là quyết tâm và trách nhiệm thôi, không có gì quá khó”, PGS.TS Phạm Xuân Mai đề xuất.
Quá nhiều mập mờ
Nói tới việc kém minh bạch trong thu phí đường bộ thủ công, ngoài trường hợp giấu lưu lượng xe để giảm doanh thu tại cao tốc TPHCM – Long Thành của Cty Yên Khánh, nghi vấn về thu phí trên các tuyến cao tốc của VEC, BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ… phải kể thêm trạm thu phí Dốc Xây (Bỉm Sơn, Thanh Hóa). Trạm thu phí Dốc Xây (hoạt động năm 2012) nguyên là trạm Tào Xuyên (hoạt động năm 2009), thu phí hoàn vốn cho dự án đường tránh TP Thanh Hóa. Theo hợp đồng ban đầu, nhà đầu tư thu phí trong 30 năm 8 tháng. Tuy nhiên, sau khi rà soát, quyết toán dự án, lưu lượng xe thực tế… thời gian thu hoàn vốn tuyến tránh TP Thanh Hóa còn 7 năm 2 tháng.
Khi nhà đầu tư và Tổng cục Đường bộ đang đàm phán lại hợp đồng thì trạm thu phí này đã thu hồi vốn xong và thu lãi hơn 1 năm, với mức lãi vượt cả mức cao nhất Tổng cục Đường bộ đưa ra đàm phán. Do đó, trạm thu phí Dốc Xây phải dừng hoạt động từ tháng 8/2017.
Những dẫn chứng trên cho thấy, việc kiểm soát số thu thực tế các trạm thu phí của Bộ GTVT còn nhiều vấn đề. Nếu không rà soát lại, người dân đã phải chịu phí oan khi qua trạm thu phí Dốc Xây tới hơn 20 năm (thực tế nhiều chủ xe đã phải trả phí oan do trạm thu phí đặt ngoài phạm vi dự án).
Chuyên gia Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, thu phí thủ công truyền thống đã bộc lộ nhiều khuyết tật, ai cũng thấy. Vì thu phí thủ công tạo điều kiện cho trạm thu phí quay vòng vé, gây tham nhũng, giấu doanh thu; gây ách tắc giao thông tại các trạm thu phí, tốn kém thời gian, chi phí xã hội…
TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia tư vấn dự án giao thông của Tổ chức JICA (Nhật Bản) cho biết, thu phí tự động sẽ giúp minh bạch, ngăn chặn gian lận, dễ giám sát, tiết kiệm nhiều thứ cho xã hội… Tuy nhiên, theo ông Đức, có rất nhiều vấn đề cần giải quyết để tiến độ triển khai thu phí tự động nhanh hơn. Do đó, Thủ tướng đã có Quyết định 07/2017, để triển khai thu phí tự động không dừng, với lộ trình rõ ràng. Tuy nhiên, tới gần 2 năm triển khai vẫn chậm. Có nhiều tuyến đường quá hạn 2 tháng Thủ tướng yêu cầu, chủ đầu tư và Bộ GTVT vẫn chưa thực hiện.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tới hết năm 2018, đã có 26/44 trạm thu phí đường bộ vận hành làn thu phí tự động không dừng, với 91/605 làn thu phí tự động. Ngoài ra, còn 7 trạm thu phí với 18 làn thu phí tự động đang vận hành thử. Cùng thời gian, có hơn 680.000 ô tô dán thẻ đầu cuối cho thu phí tự động, trên tổng số hơn 2,8 triệu ô tô đang lưu hành. Tuy nhiên, trong số ô tô đã dán thẻ, chỉ có khoảng 30% nộp tiền vào tài khoản trả phí, trong số đã nộp tiền cũng chỉ có khoảng 20% xe sử dụng thu phí tự động.
Theo quyết định 07/2017 của Thủ tướng, hết năm 2018, các trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh phải áp dụng thu phí tự động; các trạm thu phí trên các tuyến đường khác áp dụng xong trong năm 2019. Tuy nhiên, tới nay việc triển khai đang chậm tiến độ.
Hầu hết ô tô vẫn chưa dán thẻ đầu cuối phục vụ thu phí tự động không dừng, số đã dán cũng sử dụng dịch vụ này rất ít.
Theo Tiền Phong

Tags: ,