Thị phần của các đại gia thương mại điện tử đang xáo trộn sau nhiều triệu USD “ném” vào khuyến mãi cho người tiêu dùng Việt. Tương lai sẽ có thêm nhiều đại gia khác nhảy vào đua nhau “đốt” tiền. Với nguồn tiền đầu tư lớn từ các quỹ đầu tư, các hãng thương mại điện tử đang ra sức giảm giá, câu khách, dìm nhau để xem ai ‘chết trước’, người còn lại sẽ chiếm thị phần.
Càng lỗ càng lớn
Mới đây, tổng kết kỳ khuyến mãi lớn nhất năm vào ngày 9/9, đại diện trang thương mại điện tử Shopee cho biết kết quả chương trình vượt xa kỳ vọng ban đầu.
Chưa bàn đến chất lượng của những sản phẩm thuộc vào dạng “thượng vàng hạ cám”, nhưng giá cả hơn kém nhau vài chục ngàn, chủ shop và khách hàng dễ dàng thỏa thuận với nhau đã giúp Shopee nhanh chóng thu hút người dùng.
Trên các diễn đàn công nghệ, có những đồn đoán cho rằng Shopee đã vượt qua ông lớn Lazada về số lượng hàng đặt. Trong khi đó, số liệu mà trang tinBloomberg dẫn lại từ SEA (công ty mẹ của Shopee) cho biết tổng doanh thu hàng hóa giao dịch trong quý II là 2,2 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số 821,2 triệu USD vào một năm trước đó (bao gồm cả khu vực Đông Nam Á, chứ không chỉ riêng Việt Nam).
Thích sử dụng Internet, độ tuổi bình quân trẻ và thu nhập đang tăng lên là yếu tố tiên quyết để các nhà đầu tư rót tiền vào nền tảng thương mại điện tử
Để được như vậy, nền tảng thương mại điện tử mới gia nhập năm 2016 đã phải chi cả núi tiền cho các chương trình quảng cáo, khuyến mại. Trong quý II, Shopee báo lỗ hơn 250,8 triệu USD, so với mức 92,1 triệu USD trước đó. Còn năm ngoái, công ty cũng báo lỗ hơn 600 tỷ đồng tại thị trường Việt Nam (khoảng gần 30 triệu USD).
Shopee không phải là trường hợp duy nhất thua lỗ ngày càng nhiều, mà còn có cả “ông lớn” Lazada và Tiki. Báo cáo của VNG trong 6 tháng đầu năm cho hay khoản lỗ từ Tiki ghi nhận là 102 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ. Trước đó, năm 2017, Tiki cũng ghi nhận khoản lỗ 282 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thua lỗ là vậy nhưng các nhà đầu tư vẫn liên tiếp rót vốn vào các nền tảng thương mại điện tử.
Chẳng hạn, với Shopee, SEA công bố huy động được 575 triệu USD vào hồi tháng 6 để hỗ trợ cho tham vọng phát triển thương mại điện tử ở khu vực Đông Nam Á.
Tiki cũng vậy, càng lỗ lại càng nhận được thêm nhiều tiền. VNG tiếp tục rót hơn 120 tỷ đồng để mua số cổ phần phát hành riêng lẻ của Tiki, nhưng tỷ lệ sở hữu đã giảm xuống về mức 29% (trước đó là 38%) vì cổ đông mới là JD.com (trang thương mại điện tử lớn thứ hai Trung Quốc) cũng bất ngờ tham gia. Giá trị thương vụ đồn đoán khoảng 1.000 tỷ đồng. Theo Dealstreetasia, Tiki còn kế hoạch gọi vốn với số tiền ước tính khoảng 50-100 triệu USD.
Thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều chỗ trống để phát triển
Một thương vụ khác cũng đem lại sự hào hứng cho giới thương mại điện tử là Sendo (sản phẩm của tập đoàn FPT) được SBI Holdings (Nhật Bản) tuyên bố đầu tư tổng cộng 51 triệu USD, sau thương vụ 18 triệu USD vào năm 2014. Có 4 nhà đầu tư được gọi tên là SBI, SoftBank Ventures Korea, Daiwa PI Partners và SKS Ventures.
Trong bối cảnh hàng loạt nhà đầu tư mới dồn thêm tiền, “anh cả” Lazada cũng không kém cạnh. Nền tảng thương mại được Alibaba (Trung Quốc) mua lại mới đây được rót tiếp 2 tỷ USD cho việc phát triển trang thương mại điện tử và các dịch vụ liên quan khắp khu vực Đông Nam Á.
Tiềm năng thị trường
Càng ngày càng thua lỗ nhưng nhà đầu tư vẫn không ngại ngần rót vốn vì tiềm năng thị trường còn rất lớn. Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng ngành này năm 2017 đạt trên 25% và có thể được duy trì trong cả giai đoạn 2018-2020.
Ước tính, tổng doanh thu thương mại điện tử theo mô hình B2C (doanh nghiệp bán cho người dùng) ở Việt Nam hiện chiếm khoảng 2% tổng doanh thu bán lẻ, tương ứng với khoảng hơn 2,6 tỷ USD. Dự đoán đến năm 2025, tỷ lệ này sẽ tăng lên khoảng 7,7%, trị giá khoảng 12 tỷ USD đến 14 tỷ USD.
Ở góc độ nhà đầu tư, Trần Ngọc Thái Sơn, sáng lập và Giám đốc điều hành Tiki, cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào các nền tảng thương mại điện tử ở Việt Nam. “Việt Nam cũng giống như các thị trường khác, các nhà đầu tư tin rằng những gì Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc đã trải qua thì Việt Nam cũng vậy. Và đó cũng là lý do họ đầu tư”, ông Sơn nói.
Các đại gia thương mại điện tử khác sẽ sớm xuất hiện?
Tiki và Sendo mới chỉ nhắm đến thị trường Việt, trong khi Shopee và Lazada lại hướng đến thị trường Đông Nam Á, ước quy mô thị trường có thể lên đến 200 tỷ USD vào năm 2025, theo nghiên cứu của Google-Temasek. Các chuyên gia tin rằng mỗi người dân dành trung bình 3,6 giờ mỗi ngày sử dụng Internet, nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác, là nhân tố đẩy nhanh thương mại điện tử phát triển.
Độ tuổi trung bình của người Việt là 30-35 tuổi, “Tôi có niềm tin thương mại điện tử ở Việt Nam sẽ bùng nổ rất khủng khiếp”, ông Sơn nói trong một buổi hội thảo công nghệ ở TP.HCM gần đây.
Trong xu hướng đó, vẫn còn những người chơi tiềm năng khác đang nhắm đến thị trường Việt. Vào tháng 3 vừa rồi, Amazon tuyên bố có kế hoạch vào thị trường Việt Nam. Ban đầu, hãng bán lẻ này sẽ hợp tác với VECOM, giúp các thành viên của Hiệp hội này có thể bán hàng trên Amazon.
Bên cạnh đó, những động thái của tỷ phú Thái cũng đáng chú ý khi Central Group trước đó mua lại trang thương mại điện tử Zalora và hàng loạt các điểm bán offline như Big C, Nguyễn Kim,… Nhiều thương hiệu bán lẻ lớn cũng đang dồn sức cho “cuộc chiến online”, như Thế giới Di động là một ví dụ.
Thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn còn nhiều điểm nghẽn như hình thức thanh toán, vấn đề giao hàng. Việc tăng cường khuyến mãi để thu hút người dùng là chưa đủ để giải quyết các vướng mắc ở trên.
Tuy nhiên, các nền tảng thương mại điện tử lớn phải nhanh chóng mở rộng về quy mô thì mới có lời (gọi thêm vốn, lấy số lượng bán). Shopee không chỉ đầu tư vào nền tảng bán hàng mà còn chú trọng xây dựng hệ sinh thái nhiều dịch vụ, bao gồm cả vận chuyển và thanh toán. Tương tự với trường hợp của Lazada. Ở thị trường Việt Nam, nền tảng thương mại điện tử này cũng vừa mới thay “tướng” điều hành.
Theo Dũng Nguyễn