Đây là thực tế đang xảy ra trên “biển lớn”, nơi mà các doanh nghiệp Việt đang hướng đến. Một số sản phẩm vốn là “quốc hồn quốc túy” của Việt Nam, hay những thương hiệu, chỉ dẫn địa lý… được xứ người khai thác để làm giàu.
Người Thái xuất khẩu từ… phở Việt
Trong một thế giới hội nhập sâu rộng, việc một quốc gia này xuất khẩu và làm giàu từ việc sản xuất những món ăn hay sản phẩm truyền thống của quốc gia/dân tộc khác không còn là chuyện hiếm.
Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp như vậy, thì quốc gia, dân tộc là xuất phát điểm của các thương hiệu hay sản phẩm cũng đã phát triển và quảng bá được trên thị trường thế giới, và tất nhiên cũng đã làm giàu được từ đó.
Phở Việt Nam đang là một trong những sản phẩm ready-to-eat (thực phẩm tươi ăn liền đóng gói) thuộc hàng bán chạy nhất của nhà máy CPF tại Thái Lan. Ảnh minh họa
Điển hình có thể kể ra món sushi của người Nhật hay món bánh pizza của người Ý, từ mức độ sản xuất truyền thống qui mô gia đình cho đến sản xuất công nghiệp, nhượng quyền ra thế giới, họ đều là số 1 về sở trường với món ngon của dân tộc mình.
Nhưng trong trường hợp món phở Việt, chúng ta chưa làm được điều đó. Theo thống kê sơ bộ của Viện Nghiên cứu nhập cư Mỹ, trên đất nước này hiện có khoảng 9.000 tiệm phở Việt. Món phở Việt đã và đang vang danh thế giới là thế nhưng người Việt mới chỉ thương mại hóa món ăn này ở qui mô nhỏ lẻ.
Tại Mỹ cũng chưa có chuỗi tiệm phở nào có qui mô lớn tạo thành công thức thành công có thể thương mại hóa bằng cách nhượng quyền để trở thành các triệu phú có tài sản hàng chục triệu USD trở lên. Song song đó, đến nay cũng chưa có doanh nghiệp Việt nào sản xuất công nghiệp hóa được món phở với công suất lớn mang đi chinh phục thế giới.
Nếu có thể kể ra, thì chuỗi Phở 24 chính là cuộc thương mại hóa có giá trị nhất từ xưa đến nay của phở Việt, được cho là bán lại cho nước ngoài với giá 20 triệu USD.
Thế nhưng người Thái lại có thể làm giàu từ món phở Việt. Cụ thể là Charoen Pokphan Foods Plc (CPF) của Thái đang sản xuất món phở tươi đóng gói xuất khẩu đi Mỹ khá thành công vì bán chạy.
Thậm chí, thay vì chỉ mở văn phòng như dự kiến ban đầu thì CPF đã xoay chuyển thành dự án xây dựng nhà máy sản xuất phở tươi đóng gói ăn liền tại Mỹ với công suất 2 triệu gói/ngày để bán vào các chuỗi lớn như Walmart, Costco, Kroger, Amazon…
Món phở Việt đã nổi tiếng thơm ngon, cùng với công thức chế biến được tiện lợi hóa từ tư duy người Thái (hạn dùng 18 tháng, bao bì bắt mắt, chỉ cần nấu trong lò vi sóng từ 1-2 phút là ăn được…) càng giúp cho món phở phổ biến rộng rãi hơn trong xã hội Mỹ.
… đến nước dừa “Châu Đốc”
Biến phở Việt thành món ăn tươi và ăn liền đầy tiện dụng để hái ra tiền đã là cái giỏi của tư duy người Thái, song đó không phải là món duy nhất của Việt Nam mà họ “trục lợi” được.
Theo một số Việt kiều, khi cần tìm nước dừa để nấu món thịt kho và ra chợ mua thì sản phẩm đập vào mắt họ chính là những lon nước dừa hiệu “CHAUDOC” do Thái Lan sản xuất và xuất khẩu sang Mỹ.
Nước dừa “Châu Đốc'” của Thái Lan bán đầy chợ Việt tại Mỹ
Nhiều ý kiến thắc mắc rằng vì sao người Thái xuất các loại thực phẩm, gia vị vào Mỹ dễ thế trong khi hàng Việt để vào được thị trường Mỹ lại khó? Nhưng theo nhiều Việt kiều am hiểu, chẳng có “cái thuở ban đầu” nào dễ dàng cả. Người Thái đã phải tìm tòi, học hỏi và dần đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khắt khe của Mỹ thì mới xuất được hàng vào.
Và một khi đã vượt qua được rào cản này, thì không chỉ là món phở tươi đóng gói ăn liền, nước dừa đóng lon mà cả nước dùng nấu phở, tương ớt, nước mắm… cũng được người Thái sản xuất để xuất khẩu vào Mỹ phục vụ cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt, và thậm chí cho cả cộng đồng người Hoa.
Những gì người Thái làm được để đưa các món ngon có nguồn gốc từ người Việt tại nước Việt ra thế giới lại chính là những gì mà doanh nghiệp Việt mãi còn loay hoay.
Những lon nước dừa tưởng đơn giản nhưng doanh số thị trường Mỹ năm 2015 đã đạt gần 800 triệu USD và dự báo năm 2019 sẽ đạt khoảng 2 tỉ USD. Người Thái giỏi làm những món Việt để xuất khẩu vào Mỹ, cứ mỗi món có doanh số thị trường 1 – 2 tỉ USD thôi cũng đã mang về chọ họ hàng tỷ USD lợi nhuận.
Theo Dạ Thảo