Cho Vinasun không đưa ra được bằng chứng chứng minh được nguyên nhân, hệ quả và số tiền thiệt hại theo yêu cầu khởi kiện của mình, đại diện Grab đã đề nghị HĐXX đình chỉ toàn bộ vụ kiện.
Sáng nay (22-11), TAND TP.HCM tiếp tục đưa vụ kiện Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đòi Công ty TNHH Grab (Grab) bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với số tiền hơn 41,2 tỷ đồng ra xét xử. Trước đó vào ngày 29-10, HĐXX đã phải tạm dừng phiên tòa để xác minh, thu thập bổ sung tài liệu liên quan đến việc giám định thiệt hại của phía Vinasun.
Theo chủ tọa phiên tòa, sau khi tạm dừng việc xét xử để thu thập và bổ sung chứng cứ chứng minh thiệt hại của Vinasun, HĐXX đã có văn bản yêu cầu Công ty giám định Cửu Long giải thích kết quả giám định thiệt hại của Vinasun về việc giảm giá trị vốn hóa thị trường trong thời gian từ tháng 1-2016 đến 2017 là do hoạt động của Grab gây ra.
Ngày 17-11, Công ty giám định Cửu Long đã có báo cáo gửi tòa án giải thích cho kết quả giám định của mình dựa vào 3 báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán. Các báo cáo này cho thấy do sự xuất hiện của Grab nên trong khi điểm số chứng khoán của thị trường đang đi lên thì cổ phiếu của Vinasun bị giảm mạnh.
Các báo cáo này cũng cho rằng nguyên nhân lợi nhuận của Vinasun giảm là do Vinasun phải tăng chiết khấu để giữ chân tài xế đòi nghỉ để sang làm việc cho Grab, Uber. Đồng thời cảnh báo hoạt động của Grab, Uber đang đe dọa thị phần của Vinasun.
Không đồng tình với giải thích của đơn vị giám định, đại diện Grab cho rằng ngay chính trong phần cuối báo cáo của 3 công ty chứng khoán đều đã khuyến cáo đây chỉ là nguồn cung cấp thông tin để các nhà đầu tư tham khảo và không chịu trách nhiệm về tính chính xác của chúng. Quan điểm thể hiện trong báo cáo là của tác giả và không nhất thiết phải là quan điểm chính thức của các công ty chứng khoán.
Trong khi đó, đại diện Vinasun cho rằng kết luận giám định là có cơ sở. Đồng thời cho biết các số liệu trong kết luận giám định thiệt hại của Vinasun chỉ là một phần trong những cơ sở chứng minh thiệt hại của Vinasun do hoạt động được cho trái pháp luật của Grab gây ra.
Sau phần tranh luận, HĐXX hỏi phía Vinasun và Grab có thỏa thuận về chi phí giám định hay không? Cả hai cho biết không thỏa thuận và đề nghị HĐXX xem xét phân xử theo quy định pháp luật. Đồng thời, đại diện của Grab đề nghị tòa đình chỉ toàn bộ vụ kiện vì cho rằng những yêu cầu của Vinasun không có căn cứ. Sau đó, HĐXX đã tuyên tạm nghỉ phiên tòa, dự kiến tiếp tục xét xử vào chiều 23-11.
Phát biểu sau phiên xử, ông Jerry Lim – CEO của Grab cho bày tỏ sự thất vọng khi đại diện của công ty giám định Cửu Long tiếp tục vắng mặt tại tòa nên hàng loạt các câu hỏi được đặt ra để đối chất về độ chính xác của kết luận giám định thiệt hại của Vinasun chưa có được câu trả lời thỏa đáng.
Theo đại diện của Grab, phía Vinasun không đưa ra được bằng chứng chứng minh được nguyên nhân, hệ quả và bằng chứng chứng minh số tiền thiệt hại mà họ yêu cầu. “Qua quá trình xét xử rất dài gây tốn kém tiền bạc nhưng Vinasun không đưa ra được các bằng chứng chứng minh yêu cầu của họ nên chúng tôi đề nghị HĐXX đình chỉ toàn bộ vụ kiện”.
Một là, phải có vi phạm nghĩa vụ. Trong trường hợp này vì đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nên vi phạm nghĩa vụ được hiểu là vi phạm quyền và lợi ích của một người nào đó được pháp luật bảo vệ mà không có hợp đồng.
Hai là, phải có thiệt hại thực tế. Người có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại là bên đi đòi, trong trường hợp này Vinasun phải chứng minh thiệt hại.
Ba là, quan hệ nhân quả, được hiểu là hậu quả bắt buộc, duy nhất và khách quan, hậu quả này chỉ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật. Đây là một điều rất quan trọng cần được lưu ý trong quá trình xét xử.
Bốn là, lỗi do yếu tố chủ quan. Tuy nhiên, trong pháp luật hiện đại, đặc biệt là trong thương mại người ta không quan tâm tới yếu tố đó. “Trong vụ việc này gọi là “lỗi suy đoán”, nghĩa là bên nào phát sinh vi phạm nghĩa vụ tức là bên đấy có lỗi, trừ trường hợp anh chứng minh được rằng anh không có lỗi.
PGS.TS Nguyễn Như Phát cho rằng, TAND TPHCM cần phải làm rõ Grab đang vi phạm điều gì liên quan đến quyền lợi hợp pháp của Vinasun đang được pháp luật bảo vệ thì mới có thể đưa ra được phán xử công bằng.