logo
banner top
banner top

Giả mạo trường ĐH Bách Khoa TPHCM để lừa đảo trăm triệu: Lãnh đạo trường cảnh báo

Ngày đăng: 01/11/2018 12:17

Một tổ chức giả mạo giấy tờ của trường Đại học Bách khoa TPHCM để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt học phí của sinh viên và phụ huynh. Trước thông tin này, lãnh đạo Đại học Bách khoa TPHCM đã thông tin chính thức đến báo Lao Động nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi lừa đảo này.

Làm giả công văn nhà trường để lừa tiền trăm triệu

Công văn giả mạo Hiệu trưởng Đại học Bách khoa TPHCM, trong khi GS Vũ Đình Thành đã thôi làm hiệu trưởng từ tháng 5.

Công văn giả mạo Hiệu trưởng Đại học Bách khoa TPHCM, trong khi GS Vũ Đình Thành đã thôi làm hiệu trưởng từ tháng 5.

Công văn giả mạo để lừa phụ huynh và sinh viên.

Công văn giả mạo để lừa phụ huynh và sinh viên.

Trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TPHCM vừa phát thông báo về việc trường bị một tổ chức giả mạo giấy tờ để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt học phí của sinh viên và phụ huynh trong chương trình đào tạo liên kết quốc tế với số tiền hơn trăm triệu đồng.

Theo đó, thời gian qua nhà trường đã tiếp nhận nhiều thư phản ánh của phụ huynh và sinh viên về tổ chức giả mạo giấy tờ chương trình liên kết giữa nhà trường và một số đại học bên Úc, trong đó có đại học University of Queensland.

banner

Có ba loại văn bản giả mạo đã được gửi đến phụ huynh và sinh viên gồm: Thông báo về việc nộp học phí tham gia chương trình Liên kết quốc tế tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM và Đại học Queensland (Úc); Văn bản xác nhận và cam kết đóng phần học phí tương đương hơn 180 triệu đồng; giấy chứng nhận miễn giảm học phí dự tuyển.

Lãnh đạo Đại học Bách khoa TPHCM nói gì?

 

Thông báo giả mạo miễn giảm học phí.

Chiều 31.10, trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS.TS Trần Thiên Phúc – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa cho biết, đây là hành vi lừa đảo có tổ chức và rất chuyên nghiệp nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ có nguy cơ nhiều sinh viên, học sinh, phụ huynh mất cả trăm triệu tiền oan.

PGS.TS Trần Thiên Phúc xác nhận, nhà trường có chương trình đào tạo liên kết quốc tế theo phương thức 2+2, tức là 2 năm học tại Việt Nam và 2 năm học tại Úc. Mọi sinh viên, học sinh khi tham gia chương trình này đều phải thi tuyển một cách công khai, khi đạt yêu cầu thì mới được vào học.

“Trong quá trình thi tuyển, xét tuyển vào chương trình này, nhà trường không thu bất kỳ loại phí nào và cũng không thu học phí trước. Chỉ khi nào thí sinh trúng tuyển vào học thì mới đóng học phí 30 triệu/năm khi học trong nước và 650 triệu/năm khi học ở Úc. Việc thu học phí này chỉ thực hiện vào tài khoản của trường Đại học Bách khoa chứ không phải bất kỳ một tài khoản cá nhân nào” – PGS.TS Trần Thiên Phúc nói với PV Báo Lao Động.

Lãnh đạo trường Đại học Bách khoa TPHCM cũng cung cấp thêm thông tin, các đối tượng này đã lợi dụng sự thiếu thông tin của phụ huynh và sinh viên về chương trình liên kết này để lừa đảo lấy tiền. Vấn đề này nhà trường đã thông báo đến cơ quan công an để điều tra và kịp thời xử lý.

“Thông qua Báo Lao Động, nhà trường muốn gửi đến phụ huynh và sinh viên thông điệp phải hết sức cảnh giác không chuyển tiền cho bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào. Mọi việc tuyển sinh và nộp học phí đều thực hiện tại cơ sở 1 của trường ở số 268 Lý Thường Kiệt, quận 10, TPHCM, ngoài cơ sở này là bất hợp pháp và lừa đảo” – PGS.TS Trần Thiên Phúc nói và nhờ Báo Lao Động chuyển thông tin này đến với người dân, phụ huynh, sinh viên để tránh bị lừa tiền mất, tật mang.

Clip đề xuất - Duy Phương: Chẳng ai mong mình bị bệnh để xin tiền người khác

Theo HUÂN CAO

Theo Lao Động

Tags: , ,