logo
banner top
banner top

Cuộc đua xây nhà chọc trời ở Việt Nam diễn ra như thế nào?

Ngày đăng: 08/08/2018 6:02

Bitexco giữ kỷ lục tòa nhà cao nhất Việt Nam đúng 1 năm, Keangnam ở vị trí này 7 năm và bị Landmark 81 thay thế. Nhưng Empire Tower đang khởi động “đe dọa” soán ngôi Landmark 81.

Các kỷ lục về nhà chọc trời liên tục bị phá vỡ, nhưng cuộc đua “cao nhất” có vẻ chưa dừng lại, khi liên tiếp những dự án lớn ra mắt thị trường.

kiến trúc nhà cao tầng,phong cách xây dựng

Kỷ lục liên tục xô ngã kỷ lục

Tổ hợp Keangnam Landmark Tower (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) với chiều cao 336 m, khi hoàn thành vào năm 2011, lập kỷ lục tòa nhà cao nhất Việt Nam và ở vị trí này cho đến tháng 7/2018.

Với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD từ một tập đoàn của Hàn Quốc, tòa nhà gồm có 3 tòa tháp, trong đó có 1 tháp văn phòng cao 72 tầng và 2 tòa tháp căn hộ. Khi mới khánh thành, nhiều người Hà Nội coi đó là biểu tượng mới của thủ đô, đứng trên đỉnh ở tầng thứ 72, có thể nhìn bất cứ khu nào của Hà Nội.

kiến trúc nhà cao tầng,phong cách xây dựng

Keangnam Hanoi Landmark Tower giữ kỷ lục tòa nhà cao nhất Việt Nam giai đoạn 2011-2018. Ảnh: Anh Tuấn.

Trước Keangnam Landmark 72, năm 2010, Bitexco Financial Tower với 68 tầng, chiều cao 262 m vận hành, trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam, soán ngôi cụm cao ốc Saigon Pearl, cao nhất TP.HCM khi đó, với 37 tầng.

Với vốn đầu tư 400 triệu USD, thiết kế đặc biệt có sân đỗ trực thăng ở độ cao 191 m, khi mới được đưa vào sử dụng, Bitexco được kênh truyền hình CNN của Mỹ bình chọn xếp thứ 5 trong danh sách 20 tòa nhà chọc trời ấn tượng nhất thế giới. Bitexco Financial Tower chia thành 2 khối ăn khớp với nhau. Khối chân đế 6 tầng là khu thương mại, dịch vụ. Khối văn phòng cho thuê từ tầng 7 đến tầng 63, có hình lăng trụ theo dạng elip.

Nhưng Bitexco chỉ ở vị trí “cao nhất” trong một năm.

Ngay năm 2011, Keangnam Landmark 72 khánh thành, phá vỡ kỷ lục tòa nhà cao nhất Việt Nam của Bitexco. 

banner

Rơi xuống vị trí thứ 2 không bao lâu, Bitexco tiếp tục rớt xuống hạng 3 trong danh sách tòa nhà cao nhất Việt Nam, khi Lotte Center Hanoi cũng có vốn đầu tư 400 triệu USD khánh thành.

Tòa nhà Lotte cao 267 m, hơn Bitexco đúng 5 m, trở thành tòa nhà cao thứ nhì Việt Nam vào năm 2014.

Nằm tại quận Ba Đình, Lotte Hanoi Center cao 65 tầng, lấy cảm hứng từ tà áo dài truyền thống của Việt Nam. Lotte cũng là tòa nhà cao nhất ở khu trung tâm Hà Nội. Từ đây có thể ngắm nhìn toàn cảnh hồ Tây, khu phố cổ và cả khu mới phát triển ở phía tây.

Tháng 7/2018, kỷ lục “cao nhất” của Keangnam chính thức bị xô đổ, khi Landmark 81 (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đưa vào vận hành hạng mục đầu tiên, là khu thương mại ở khối đế, và sẽ hoàn thiện toàn bộ dịp Tết Nguyên đán 2019.

kiến trúc nhà cao tầng,phong cách xây dựng

Landmark 81, tòa nhà cao nhất Việt Nam hiện tại, với 81 tầng và đài quan sát, có tổng chiều cao hơn 461 m. Ảnh: Hoàng Hà.

Landmark 81 cao 81 tầng, lấy cảm hứng từ hình ảnh bó tre truyền thống. Khi khởi công, đây là tòa nhà cao thứ 8 trên thế giới, nhưng hiện đã xuống vị trí thứ 15.

Cuộc đua nhà chọc trời chưa dừng lại?

Các kỷ lục về nhà chọc trời liên tục bị phá vỡ, tuy nhiên, cuộc đua “cao nhất” có vẻ chưa dừng lại, khi liên tiếp những dự án lớn ra mắt thị trường.

Tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM), dự án có tên là Empire 88 Tower đã được chủ đầu tư công bố. Dự án sẽ có tòa tháp 88 tầng, lấy cảm hứng từ ruộng bậc thang của Việt Nam, dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Chủ đầu tư Empire cho biết tòa tháp có chiều cao vượt Landmark 81, dù chiều cao chính xác chưa được công bố.

Tổ hợp Empire City được quảng cáo có vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, tham vọng trở thành điểm nhấn của trung tâm bán đảo Thủ Thiêm.

Nếu được xây dựng đúng lộ trình, Empire 88 Tower sẽ trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam vào năm 2022, đồng nghĩa Landmark 81 giữ vị trí “cao nhất” trong 4 năm. 

Clip đề xuất - Duy Phương: Chẳng ai mong mình bị bệnh để xin tiền người khác

Tại Hà Nội, một dự án 4 tỷ USD của tập đoàn BRG ở huyện Đông Anh cũng đã được khởi động, với sự tham gia của các đối tác đến từ Nhật Bản. Chủ đầu tư công bố sẽ xây dựng một khu đô thị thông minh rộng tới 2.080 ha, với điểm nhấn là tòa tháp tài chính cao 108 tầng.

kiến trúc nhà cao tầng,phong cách xây dựng

TP.HCM sẽ có tòa nhà cao nhất Việt Nam mới vào năm 2022, mang tên Empire 88 Tower. Ảnh: Empire City.

Tòa tháp này chưa có nhiều thông tin cụ thể, nhưng chủ đầu tư quảng cáo sẽ có tên là tháp tài chính Phương Trạch.

Với 108 tầng, chủ đầu tư cũng khẳng định đây sẽ là tòa nhà cao nhất Việt Nam trong tương lai.

Tuy nhiên, cả 2 dự án được tuyên bố sẽ giành vị trí tòa nhà cao nhất Việt Nam này hiện vẫn là khu đất trống, và chưa rõ thời điểm khởi công.

Không tranh vị trí cao nhất, nhưng Vietinbank đang xây dựng một tòa tháp hình chữ V có tên là Tháp Vietinbank cao 68 tầng (363 m). Dự án có vốn đầu tư là 400 triệu USD, tại khu đô thị Ciputra quận Tây Hồ, Hà Nội được khởi công từ 2010. Khi hoàn thành vào năm 2019, dự kiến đây là tòa nhà cao thứ 2 tại Hà Nội, và cao thứ 3 tại Việt Nam.

Tòa nhà này từng được kỳ vọng hoàn thành vào cuối năm 2017, đầu 2018, tuy nhiên đến nay vẫn đang xây dựng với tiến độ chậm chạp.

Tại TP.HCM, khu đất vàng 2-4-6 đường Hai Bà Trưng đang vướng lùm xùm về chuyện Sabeco có dấu hiệu bán rẻ. Tại đây chủ đầu tư đã công bố xây dựng tòa nhà chọc trời có tên là Sài Gòn Mê Linh Tower, cao 267 m. Nếu hoàn thành, Sài Gòn Mê Linh Tower sẽ cao bằng Lotte Hanoi Center, vượt Bitexco Financial Tower 5 m.

Cuộc đua nhà chọc trời ở Việt Nam hứa hẹn sẽ còn “hao tiền tốn của” hơn nữa. Nhiều tòa nhà đang xây dựng cũng sẽ khiến cho những tòa nhà cao thứ nhì, thứ ba, thứ tư hiện tại có thể “lỗi thời” trong nay mai. 

Cần thiết tạo điểm nhấn, nhưng không nên quá nhiều

Nói về cuộc đua làm nhà chọc trời, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, đánh giá các công trình nhà chọc trời là cần thiết, đóng vai trò quan trọng tại đô thị. Nó giúp tạo ra các kiến trúc có điểm nhấn, tạo ra các biểu tượng mới.

Tuy nhiên, để tạo ra các biểu tượng thì rất tốn kém.

kiến trúc nhà cao tầng,phong cách xây dựng

Chuyên gia cho rằng không nên xây nhà chọc trời chỉ để phá kỷ lục, mà cần đạt hiệu quả về kinh tế. Ảnh: Lê Quân.

“Xây dựng tòa nhà chọc trời đòi hỏi kỹ thuật rất cao, chi phí xây dựng lớn, khả năng thu hồi vốn chậm. Công trình đòi hỏi khả năng quản lý vận hành rất phức tạp và phương án tài chính rất kỹ lưỡng. Do đó, nhiều khi xây dựng nhà chọc trời là để thể hiện vị thế, tiềm lực của doanh nghiệp”, ông Đính nói.

Nhưng vị này cũng cho rằng một thành phố không nên có quá nhiều tòa nhà chọc trời.

“Chính quyền nên kiểm soát quy hoạch, không nên quá nhiều nhà chọc trời trong một phạm vi đô thị. Công trình cao tầng mang tính biểu tượng, mà biểu tượng thì không thể xây dựng tràn lan”, ông Đính nói.

Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho rằng khi quy hoạch hoặc cấp phép các dự án tòa nhà chọc trời, chính quyền rất cần chú ý đến hạ tầng kèm theo. Có quá nhiều nhà chọc trời, trong khi hạ tầng không theo kịp sẽ gây ra tình trạng quá tải, áp lực dồn nén đến đô thị, tạo ra những mặt trái đáng báo động.

Đồng tình với điều này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội bất động sản TP.HCM, cho rằng nhà chọc trời là một sản phẩm đặc biệt trong thị trường bất động sản. Đặc biệt với cả người bán và người mua. Không phải chủ đầu tư nào cũng dám xây dựng để bán, và không phải khách hàng nào cũng dám bỏ số tiền lớn để mua.

kiến trúc nhà cao tầng,phong cách xây dựng

Khu vực trung tâm quận 1, TP.HCM vẫn còn nhiều công trình cao tầng tiếp tục thi công. Ảnh: Lê Quân.

Ông Châu cũng nhận định khi kinh tế phát triển, thu nhập của người dân tăng lên, ngày càng xuất hiện nhiều chủ đầu tư có tiềm lực, thì việc có cung và cầu ở thị trường nhà siêu cao tầng là điều hoàn toàn bình thường.

“Khi đã ‘thuộc hàng biểu tượng’, nhà chọc trời lại đánh trúng vào nhu cầu của một tập khách hàng siêu giàu, có nhu cầu thể hiện vị thế, đẳng cấp của mình”, ông Châu nói.

Nhưng khi được hỏi bao nhiêu nhà chọc trời là đủ, ông Lê Hoàng Châu cho rằng cần thiết phải có quy hoạch các công trình tạo điểm nhấn, nhưng phải phụ thuộc vào nhu cầu của xã hội và sức chịu đựng của nền kinh tế.

“Không nên xây dựng nhà cao tầng bằng mọi giá để phá vỡ kỷ lục này, kỷ lục kia. Cần phải cân đối nhiều mục đích trong đó, và phải xuất phát từ nhu cầu của nền kinh tế. Tòa nhà cũng phải đáp ứng yêu cầu về mặt kinh tế, nghĩa là phải có lãi. Nếu không thì không nên xây”, ông Châu nói. 

banner

Theo Hiếu Công, Đồ họa: Như Ý

Theo Zing (Tri thức trực tuyến)

Tags: ,