logo
banner top
banner top

Buộc phi công nghỉ việc phải báo trước 120 ngày là trái luật

Ngày đăng: 01/11/2018 11:25

Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản trả lời Bộ Tư pháp liên quan đến việc quy định của Bộ GTVT về vấn đề phi công nghỉ việc phải báo trước 120 ngày.

Theo đó, bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 21/2017 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2011 của bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực máy bay và khai thác máy bay. Trong đó có quy định người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng phải báo trước 120 ngày.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, quy định trên của Bộ GTVT là không phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2012 (Điều 36, Điều 37) và Hiến pháp năm 2013 (khoản 2 Điều 14).

Buộc phi công nghỉ việc phải báo trước 120 ngày là trái luật - ảnh 1

Bộ LĐ-TB&XH vừa chính thức có văn bản trả lời Bộ Tư pháp về quy định nghỉ việc của phi công.

Cụ thể, tại Điều 37 của Bộ luật Lao động năm 2012, thời hạn người lao động phải báo trước khi thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tùy thuộc vào loại hợp đồng lao động và căn cứ chấm dứt, bao gồm các loại thời hạn: ít nhất ba ngày làm việc; ít nhất 30 ngày; ít nhất 45 ngày; hoặc được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 Bộ luật Lao động.

 “Vì vậy, việc quy định nhân viên hàng không trình độ cao phải báo trước ít nhất 120 ngày (quy định dài hơn số ngày phải báo trước theo Bộ luật Lao động) là không phù hợp với quy định tại Điều 37 của Bộ luật Lao động” – công văn Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ.

Bên cạnh đó, Điều 36 quy định về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, trong đó khoản 9 Điều 36 quy định hợp đồng lao động sẽ chấm dứt nếu người lao động thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng quy định tại Điều 37 của Bộ luật Lao động.

Dẫn Hiến pháp năm 2013, Bộ LĐ-TB&XH khẳng định việc hạn chế quyền của con người phải được quy định trong luật. Nhưng Thông tư số 21/2017 của Bộ GTVT đã có quy định hạn chế quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động, điều này là không phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

Công văn Bộ LĐ-TB&XH cũng thừa nhận tính chất đặc thù của ngành hàng không và để đảm bảo tính nghiêm ngặt về an toàn, an ninh hàng không (thuộc danh mục cấm đình công) và kế hoạch bay đã được duyệt, nhằm có thêm thời gian tuyển dụng các nhân viên hàng không trình độ cao ở Việt Nam (đang thiếu hụt so với nhu cầu của các hãng hàng không), Bộ LĐ-TB&XH thấy rằng vấn đề này phải nghiên cứu và đánh giá tác động đầy đủ, thấu đáo đối với các ngành, nghề lao động có tính chất đặc thù và lấy ý kiến của chính người lao động là “nhân viên hàng không trình độ cao”…

Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi Bộ luật Lao động, pháp luật cho phù hợp với thực tiễn.

Trước đó, báo Pháp Luật TP.HCM có nhiều tin, bài phản ánh việc nhiều phi công Vietnam Airlines đã gửi đơn kêu cứu các cơ quan chức năng. Họ cho rằng việc Thông tư 41/2015 (nay được thay thế bằng Thông tư 21/2017) của Bộ GTVT yêu cầu người lao động (phi công) đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải báo trước 120 ngày là trái với Bộ luật Lao động.

Trả lời báo Pháp Luật TP.HCM, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH, cũng khẳng định quy định của Bộ GTVT là trái quy định pháp luật. Trong khi đó, Bộ GTVT vẫn khẳng định quy định trên là đúng luật.

Theo VIẾT LONG

Theo PLO

Tags: , ,