Mặc dù giao dịch được thực hiện từ tháng 10.2018, tuy nhiên, đến nay Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) mới thông báo về việc thay đổi cơ cấu cổ đông lớn với sự xuất hiện của một cá nhân là bà Nguyễn Kim Phượng sở hữu 3,39 triệu cổ phiếu Vinasun, tương đương 5,06% vốn điều lệ.
Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã chứng khoán: VNS) vừa thông báo về việc trở thành cổ đông lớn của bà Nguyễn Kim Phượng.
Theo công bố này, bà Phượng trước đó là cổ đông tại Vinasun sở hữu hơn 3,34 triệu cổ phiếu VNS (4,92% vốn doanh nghiệp). Vào ngày 11.10.2018, bà Phượng đã mua thêm 54.460 cổ phiếu VNS, nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên 3,39 triệu cổ phiếu, tương đương 5,06% và chính thức trở thành cổ đông lớn của hãng taxi này.
Theo dữ liệu giao dịch, giá bình quân của cổ phiếu VNS trong phiên ngày 11.10.2018 vào khoảng 18.500 đồng/cổ phiếu. Tạm tính, để mua thêm số cổ phiếu trên, bà Phượng đã phải chi ra số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Với hơn 3,39 triệu cổ phiếu đang nắm giữ, bà Phượng là cổ đông lớn thứ sáu và là cổ đông lớn thứ 3 của Vinasun, sau Chủ tịch HĐQT Đặng Phước Thành, quỹ đầu tư Tael Two Partners Ltd, Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM, Phó Tổng giám đốc Đặng Thành Duy và Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra). Căn cứ theo giá mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 4.1, khối cổ phiếu của nhà đầu tư này trị giá gần 60 tỷ đồng.
Cổ đông lớn nhất của hãng taxi này vẫ là ông Đặng Phước Thành, Chủ tịch HĐQT, với gần 25% vốn nắm giữ. Xếp sau lần lượt là các quỹ và công ty chứng khoán lớn như quỹ đầu tư Tael Two Partners Ltd, Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) hay Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra).
Trong nhóm cổ đông lớn của Vinasun cũng có sự hiện diện của con trai ông Thành là Đặng Thành Duy với gần 8% vốn nắm giữ. Hiện ông Thành Duy cũng đang đảm nhiệm vai trò Phó tổng giám đốc tại công ty của cha mình.
Trước đó, từ giữa năm 2018 đến nay, cơ cấu cổ đông của Vinasun đã có những biến động rất mạnh khi quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore – GIC đã thoái toàn bộ 5,4 triệu cổ phiếu sau hơn 4 năm nắm giữ. Với mức giá thoái chưa tới một nửa so với giá mua vào sau điều chỉnh, quỹ đầu tư này ước tính chịu lỗ gần 120 tỷ đồng.
Ngay sau khi GIC tuyên bố thoái vốn, Công ty chứng khoán HSC đã thông báo mua thành công hơn 7,2 triệu cổ phiếu, tương đương 10,6% vốn điều lệ Vinasun. Với giá bình quân 14.400 đồng/cổ phiếu, ước tính HSC đã chi khoảng 104 tỷ để trở thành cổ đông lớn tại đây.
Trong quá trình hoà giải vụ Vinasun kiện Grab “vi phạm Đề án 24 của Bộ Giao thông vận tải, gây náo loạn thị trường”, đại diện Grab cho biết, phương án hoà giải mà Grab đưa ra là Grab sẽ chịu lỗ mua lại cổ phiếu Vinasun (mã VNS) với giá trị 65 tỷ đồng, tuy nhiên Vinasun không đồng ý.
Đến cuối tháng 12, TAND TP HCM tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện và buộc Grab bồi thường cho nguyên đơn hơn 4,8 tỷ đồng. Lý do được đưa ra là Grab có nhiều sai phạm trong quá trình kinh doanh tại Việt Nam, có mối quan hệ nhân quả giữa sai phạm với thiệt hại của Vinasun nhưng không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến thua lỗ của doanh nghiệp này.
Kể từ khi Grab và trước đây từng có Uber gia nhập thị trường Việt Nam, Vinasun chính là doanh nghiệp taxi truyền thống lên án mạnh mẽ nhất với mô hình vận tải mới này.
Năm 2018, Vinasun đặt mục tiêu thu về tổng cộng 2.160 tỷ đồng doanh thu, giảm 33% so với số thực hiện trong năm trước đó. Công ty cũng chỉ kế hoạch mang về 95 tỷ đồng lợi nhuận cho cả năm, mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 9 năm kinh doanh của hãng.
Theo báo cáo tài chính quý III.2018 của Vinasun, tính đến cuối tháng 9 cùng năm, hãng taxi này mới ghi nhận 1.566 tỷ đồng doanh thu, giảm 36% so với cùng kỳ. Mức lợi nhuận trước thuế thu về cũng chỉ đạt gần 70 tỷ đồng, giảm 63%. So với kế hoạch đề ra, doanh thu và lợi nhuận của Vinasun mới đạt xấp xỉ 73% với cả 2 chỉ tiêu.