Ấy là khi anh nghe tin tôi có bạn trai, cuộc gọi vồ vập bảo rằng: “Mẹ mướp! Cô liệu mà cho con tôi ngủ riêng nhá! Để nó thấy chuyện xấu hổ của hai người!”
Tôi cho rằng, lời nói có lễ độ với người khác không chỉ là tôn trọng người đối diện mà tôn trọng chính bản thân mình. Nhất là với chồng mình. Vậy nên dù có giận dữ cách mấy, dù bất cứ chuyện gì từ việc lấp liếm về tiền bạc, hay các mối quan hệ nam nữ lăng nhăng hoặc bạn bè nhậu nhẹt be bét… của chồng, thì từ tôi dùng “vô lễ” nhất chỉ là anh – tôi.
Nói năng lễ độ với người khác chính là tôn trọng bản thân mình. Ảnh minh họa
Vậy rồi cuộc hôn nhân của tôi cũng kéo dài được tám năm và đường ai nấy bước. Ai cũng biết, không có cuộc chia ly nào mà êm thấm, bên này sẽ đổ lỗi cho bên kia bởi ngần ấy năm là bao nhiêu tháng, là bấy nhiêu ngày giờ ra vô chạm mặt cùng nhau, chén trong xống còn khua huống chi quan hệ vợ chồng vốn là hai mảnh ghép của cuộc đời này.
Thế nhưng tôi vẫn điềm nhiên khi nói về chồng cũ bằng hai từ “anh ấy”. Mỗi khi ai tò mò hỏi, “Tháng này ba thằng Bin gửi nuôi nó bao nhiêu?”. “Dạ đúng theo quyết định của tòa”. “Ý trời! Vậy sao thằng nhỏ sống?”. “Không sao ạ, có lẽ anh ấy cũng kẹt tiền”. Vài người quan tâm còn hỏi “Dạo này chồng cũ em sống thế nào?”. “Em nghe nói anh ấy có công việc mới, quen người mới”. “Ừ, đàn ông thả ở đâu cũng sống được, chỉ có đàn bà ly hôn là khổ, tay nách con, tay nách cơm áo gạo tiền, ai dám nhào vô. Ý mà… sao em cứ gọi chồng cũ là anh ấy nghe ngọt ngào quá vậy?”. “Chứ gọi là gì ạ?”.
Khi tôi hỏi ngược, người ta liệt kê ra danh từ để gọi người cũ nghe thật… rợn tóc gáy: thằng quỷ, âm binh, thằng mắc dịch, toi vật, khốn nạn…
Tôi bảo, nói như vậy hóa ra ngượng miệng mình trước. Dù sau cũng một thời yêu thương và có con chung. Làm sao để con nể mình nữa chứ!
Vậy mà khi tôi một lòng tôn trọng tình xưa nghĩa cũ thì người ta đã “phang ngang bửa củi” khi nói chuyện với vợ cũ. Ấy là khi anh nghe tin tôi có bạn trai, cuộc gọi vồ vập bảo rằng: “Mẹ mướp! Cô liệu mà cho con tôi ngủ riêng nhá! Để nó thấy chuyện xấu hổ của hai người”. Sững người vì các nói chuyện của anh ta nhưng tôi cũng từ tốn “Có gì mà xấu hổ ạ? Em tìm thêm tình thương cho con em chứ không để nó mất tình mẹ đâu”.
Ảnh minh họa
Thảng hoặc vài hôm lại gọi “Cho gặp Bin chút được không hả?”. Với cách ăn nói đó, sẽ ích lợi gì trong câu chuyện sắp nói với con? Vậy là tôi từ tốn: “Con đi học thêm chưa về anh ạ”. “Chưa về hay giấu tao? Tao phải dạy con tao là không có thằng cha dượng nào tốt như cha ruột”.
Tôi muốn cãi, nếu cha ruột tốt, sao không cùng mẹ nó xây dựng gia đình suốt đời mà lại làm cho mái ấm tan đàn xẻ nghé. Cha dượng dù không tốt, nhưng họ đã chịu thương mẹ bế con để cho đứa trẻ ấm áp tình gia đình thì đã tốt gấp mấy lần cha ruột rồi.
Nhưng cãi nhau có ích lợi gì? Thế nên tôi im lặng
Bây giờ, cấp độ gọi của chồng cũ vào số máy tôi ngày càng tăng, cũng chẳng biết là tiếc nuối hay “đạp đổ” nhưng âm giọng nhề nhệ và xưng hô “cô/ tôi”; “tao/ mày”; “con kia/ ông”… khiến tôi càng thấy sự lễ độ cần thiết ở một con người có học như anh ấy thật là ít ỏi.
Theo Kim Đào