logo
banner top
banner top

4 bước cần làm khi trót mắc sai lầm về tiền bạc

Ngày đăng: 24/12/2018 17:02

Bối rối hay ứng xử không hợp lý khi mắc sai lầm về tiền bạc có thể khiến túi tiền của bạn càng nghiêm trọng hơn.

Mọi người đều có thể phạm sai lầm về tiền bạc. Điều đầu tiên cần làm khi phạm phải sai lầm là hiểu rằng đây không phải điểm kết thúc và bạn không phải là người duy nhất. Ngay cả các chuyên gia tài chính, những bậc thầy về tư vấn tài chính cá nhân cũng có thể mắc sai lầm. Do đó, khi vừa trót rơi vào tình huống này, hãy thực hiện ngay 4 bước sau để cứu vãn cho chính mình.

Không tự trách bản thân

Trước khi có thể tiến về phía trước, bạn cần phải chấp nhận sai lầm của mình. Nhiều người chần chừ trong việc xin sự giúp đỡ về tài chính vì họ xấu hổ hay khó chịu về những sai lầm họ đã gây ra hàng tháng, hoặc thậm chí nhiều năm trước.

Nhưng mọi chuyện cũng đã xảy ra nên tự trách bản thân cũng chẳng có ích gì. Càng kéo dài thời gian giải quyết hay trì hoãn yêu cầu trợ giúp sửa chữa sai lầm thì tình huống của bạn sẽ càng trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, “không tự trách bản thân” không có nghĩa là quên đi lỗi lầm hay đổ lỗi cho người khác.

Chịu trách nhiệm

4 bước cần làm khi trót mắc sai lầm về tiền bạc - Ảnh 1.

Không nên đổ lỗi ai khác nếu bạn không có tiền cho những tình huống khẩn cấp. Ảnh: Reuters

Đây thường là phần khó nhất khi xử lý sai lầm về tiền bạc: thừa nhận sai lầm của bản thân. Sẽ dễ chịu hơn khi bạn cảm thấy đó không phải lỗi của mình, nhưng thay vì đổ lỗi, hãy thừa nhận.

Giả sử có lúc bạn thấu chi tài khoản thanh toán hay mắc nợ vì ai đó đụng xe bạn và bạn không đủ tiền mặt để chi trả hóa đơn sửa chữa. Người tài xế kia chắc chắn có lỗi đối với tình trạng khó khăn của bạn, phải không?

Không. Có thể đó là lỗi của tài xế vì đã gây ra tai nạn, nhưng người đó không buộc bạn phải cà thẻ tín dụng hay vay mượn cách nào đó. Bạn là nguyên nhân của việc thấu chi vì không có sẵn quỹ khẩn cấp cho những tình huống bất ngờ.

Bạn có thể dự đoán được ai đó sẽ đâm vào xe của bạn và hóa đơn sửa chữa kèm theo không? Không. Cuộc sống luôn có những điều bất ngờ và đôi khi mọi thứ đi lệch hướng. Trong trường hợp này, bạn cần nhận trách nhiệm thông qua câu nói “Tôi đã phạm sai lầm. Tôi không có quỹ khẩn cấp. Nhưng bây giờ tôi sẽ lập tức tạo một quỹ.”

Việc chịu trách nhiệm thực sự sẽ khiến bạn cảm thấy như được tiếp thêm nghị lực hơn. Khi nhận thấy điều đó cũng là lúc chúng ta đến bước thứ ba.

Cam kết đưa ra lựa chọn tốt hơn

Nếu đã phạm sai lầm, hãy thừa nhận nó và tự chịu trách nhiệm. Tiếp theo, cam kết học hỏi từ lỗi lầm và ngăn bản thân lặp lại lỗi tương tự. Không bao giờ là quá muộn để trở lại đúng hướng và tiến bộ.

Một lần nữa, nuối tiếc về quá khứ cũng chẳng có ích gì. Điều duy nhất quan trọng là bạn cam kết thực hiện các bước đúng ngay bây giờ.

Biến cam kết thành hành động

Như James Clear viết trong quyển Atomic Habits: “Mọi người nghĩ rằng họ thiếu động lực trong khi điều họ thực sự thiếu lại là sự rõ ràng. Người ta thường không rõ nơi nào và khi nào nên hành động”.

Đây là thách thức chủ yếu bạn phải đối mặt khi chuẩn bị vượt qua lỗi lầm về tiền bạc và đưa ra lựa chọn tài chính tốt hơn trong tương lai. Có lẽ bạn có nhiều động lực để thành công nhưng không có sự rõ ràng về việc phải làm, cách làm, hoặc nên tập trung vào việc gì. Do đó, bạn cũng có thể tiếp tục mắc sai lầm cho dù có quyết tâm cao độ.

4 bước cần làm khi trót mắc sai lầm về tiền bạc - Ảnh 2.

Không có hướng đi rõ ràng thì bạn hoàn toàn có thể mắc sai lầm tài chính nhiều lần. Ảnh: Wayhome

Bạn cần có những điều sau đây nếu như muốn khởi đầu tốt hơn về tiền bạc, và tiếp tục tạo những thói quen tốt trong tương lai:

– Tạo cách theo dõi tiền đến và tiền đi ra khỏi tài khoản của bạn mỗi tháng, nói cách khác là nắm rõ dòng tiền của bản thân.

– Một phương pháp đặt ưu tiên cho cả các nhu cầu lẫn mục tiêu tài chính.

– Một phương thức nhằm đạt được và duy trì kỷ luật khi bạn làm việc hướng tới điều bạn muốn.

– Một người hướng dẫn có thể giúp bạn kiểm tra các điểm yếu và lọc ra tất cả các thông tin dư thừa để chỉ cần làm theo lời khuyên tốt nhất dành cho bạn.

– Một đối tác có trách nhiệm nhằm đảm bảo bạn tiếp tục hành động ngay cả khi bạn không muốn hay mất động lực.

Bạn không nhất thiết phải thuê một chuyên gia để giúp bạn dù tùy vào mức độ phức tạp của tình hình tài chính mà có thể xem xét vấn đề này. Thay vào đó, bạn có thể kiểm soát bằng cách sử dụng các ứng dụng và công cụ trên điện thoại. Bạn có thể đọc những quyển sách về tài chính cá nhân và theo dõi các gợi ý từ các chuyên gia trong lĩnh vực này. Bạn cũng có thể tham gia các cộng đồng nơi bạn có thể chia sẻ các mẹo và nhận trách nhiệm từ những người mà, giống như bạn, cam kết đạt được thành công.

Điều quan trọng nhất là bạn thực hiện được bước đầu tiên và hãy thực hiện nó ngay bây giờ. Mọi người đều phạm sai lầm về tiền bạc, nhưng rất ít người thông qua quá trình này để học hỏi và cải thiện chúng. Hãy là một trong số ít người đó và bạn cũng sẽ trở thành số ít người đạt được thành công về tài chính thật sự.

Theo Phiên An (Vnexpress/Business Insider)
Theo Người Lao Động

Tags: , ,